(HNMO) - Chiều 5-6, Bộ Tài chính đã có công văn số 6797/BTC-CST gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam về việc lấy ý kiến dự án Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31-12-2020.
Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ ngày 29-5-2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ đã xây dựng hồ sơ dự án Nghị định của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31-12-2021 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, có ý kiến tham gia và gửi về Bộ Tài chính trước ngày 9-6-2020.
Thông tin được Bộ Tài chính đưa ra tối 5-6 cho thấy, theo dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết 31-12-2020, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự được sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với các loại xe này quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21-2-2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10-10-2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ và các Quyết định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương.
Nghị định có hiệu lực từ ngày ký. Kể từ ngày 1-1-2021, mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô tiếp tục áp dụng theo mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, trả lời báo chí về thời gian Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được ban hành và áp dụng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay, hồ sơ dự thảo đã hoàn thiện và được lấy ý kiến các đơn vị nội bộ. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ xin ý kiến các bộ, ngành; trên cơ sở tổng hợp ý kiến các bộ, ngành sẽ xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
Sau khi tiếp thu, giải trình trên cơ sở thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét, ký ban hành Nghị định. Bộ Tài chính sẽ cố gắng tối đa để trình Thủ tướng Chính phủ sớm nhất văn bản này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.