Sau khi rà soát các văn bản pháp lý, Bộ Tài chính thấy chưa có quy định nào về khoanh nợ, giãn nợ và không tính lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội cho Mai Linh.
Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chuyển đơn cầu cứu của Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh đến Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH); Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện cả Bộ Tài chính lẫn Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đều cho rằng mình không có thẩm quyền hoặc không có trách nhiệm giải quyết đề nghị khoanh nợ bảo hiểm xã hội, miễn lãi phát sinh nợ cũ của Mai Linh.
Mai Linh đang đứng trước nguy cơ phá sản. |
Mới đây nhất, Bộ Tài chính đã có ý kiến trả lời chính thức. Dẫn một loạt các quy định pháp luật hiện nay, Bộ Tài chính cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm Y tế và các văn bản hướng dẫn Luật hiện chưa có quy định về khoanh nợ, giãn nợ và không tính lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện.
Không chỉ vậy, văn bản do một Thứ trưởng của Bộ Tài chính ký, cũng nêu rõ quan điểm để Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế chủ trì nghiên cứu, trả lời kiến nghị của Mai Linh và thông báo lại cho Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Theo Bộ Tài chính, Luật Bảo hiểm Xã hội và Luật Việc làm nêu rõ Bộ LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm tự nguyện. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về Bảo hiểm y tế.
Đồng thời, Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất chế độ bảo hiểm xã hội hợp lý, hài hoà lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và xã hội để doanh nghiệp thích ứng và sử dụng lao động.
Trước đó, trả lời báo chí, ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, đây chỉ là cơ quan tổ chức thực hiện thu các loại bảo hiểm (xã hội, y tế và thất nghiệp) về quỹ theo đúng quy định. Với những đề nghị khoanh nợ, giảm nợ, miễn giảm tiền lãi, cơ quan này không có thẩm quyền quyết định.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014, Chính phủ mới là cơ quan có thẩm quyền này. Do đó, vị này cho biết đã giao bộ phận chuyên trách để giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp theo hướng trên.
Đơn xin cứu xét do Chủ tịch Mai Linh – ông Hồ Huy ký cho hay, công ty này đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt không công bằng của các đối thủ cạnh tranh Grab, Uber, khiến doanh thu giảm 30% so với các năm trước. Riêng số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và thất nghiệp của doanh nghiệp này đến 31-10-2017 gần 182 tỷ đồng, trong đó nợ gốc hơn 105 tỷ đồng và gần 77 tỷ đồng lãi.
Đứng trước nguy cơ hàng vạn lao động mất việc và mất đi thương hiệu lớn, Mai Linh đề nghị Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giải quyết những khó khăn thực sự cấp bách trước mắt để công ty duy trì, phát triển lâu dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.