Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ Tài chính: Chi đầu tư phát triển giảm là đáng lo ngại

Thanh Hương| 27/05/2018 09:12

(HNMO)- 4 tháng năm 2018, chi đầu tư phát triển đạt 16,3% dự toán, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo Bộ Tài chính, chi đầu tư phát triển giảm như vậy là đáng lo ngại.


Theo số liệu được Bộ Tài chính công bố, 4 tháng đầu năm 2018, thu ngân sách ước đạt 446,4 nghìn tỷ đồng, tổng chi khoảng 410 nghìn tỷ đồng, trong đó, chi thường xuyên chiếm tới 73,5% tổng chi.


Các chuyên gia kinh tế nhận định, bức tranh chi 4 tháng đầu năm nay khá “tối” khi chi thường xuyên, trả nợ lãi tăng trong khi chi đầu tư lại giảm so với cùng kỳ. Nếu so chi thường xuyên tức là chi cho lương, cho hoạt động của bộ máy nhà nước với tổng số thu thì chi thường xuyên chiếm 66% tổng thu. Hay nói cách khác là thu được 3 đồng thì tiêu 2 đồng, số còn lại để chi trả nợ vay và chi đầu tư.

Trước nhận định trên, tại buổi họp báo chuyên đề diễn ra chiều 25-5, Bộ Tài chính giải thích, dự toán chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, cơ cấu chi đầu tư phát triển chiếm 26,2%, chi trả nợ lãi chiếm 7,39%, chi thường xuyên chiếm 61,76%.

Những tháng đầu năm chi đầu tư phát triển thường chậm, do các bộ, ngành, địa phương đang trong quá trình triển khai phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư cho các chủ đầu tư, đồng thời ảnh hưởng của Tết Nguyên đán; chi thường xuyên (thanh toán lương, phụ cấp, trợ cấp xã hội và chi phục vụ hoạt động của các cơ quan đơn vị...) tương đối đều trong năm; chi trả nợ lãi theo tiến độ của các khoản nợ đến hạn.

“Qua kết quả thực hiện 4 tháng, diễn biến chi thường xuyên đạt 32,1% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm trước là phù hợp với dự toán và thực tế triển khai nhiệm vụ của các đơn vị sử dụng ngân sách”, cơ quan quản lý này đánh giá.

Trong thực tế, cơ cấu chi thường xuyên, chi hoạt động các cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể chiếm khoảng 14,47%, còn lại là chi phát triển các sự nghiệp y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đây là các lĩnh vực chi ưu tiên theo Nghị quyết của Đảng, Nhà nước.

“Tuy nhiên, tiến độ chi đầu tư phát triển 4 tháng đạt 16,3% dự toán, giảm 5,2% so cùng kỳ là vấn đề đáng lo ngại, cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới”, Bộ Tài chính lo lắng.

Số liệu được Bộ Tài chính đưa ra tại cuộc họp rất đáng chú ý là, tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, năm 2017 cả nước đã tiết kiệm được 51.401 tỷ đồng. Trong đó, tiết kiệm kinh phí, vốn của nhà nước 47.945 tỷ đồng; tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp nhà nước 3.456 tỷ đồng).

Tuy nhiên, Bộ Tài chính thừa nhận, tình trạng thất thoát, lãng phí trong chi tiêu ngân sách vẫn còn là vấn đề xã hội bức xúc.

Trước câu hỏi của báo chí về nguyên nhân của tình trạng trên, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho rằng, ngoài nguyên nhân do hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, chế độ vẫn còn bất cập, thì còn do vấn đề về nhận thức, chưa có tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước, tài sản công.

Chủ trương giao quyền tự chủ cho các cơ quan, đơn vị tự chủ về mặt tài chính, một mặt tạo thuận lợi, chủ động cho cơ quan đơn vị, nhưng mặt khác việc thanh tra, kiểm tra chưa sát nên việc vi phạm về chi vẫn xảy ra.

Giải pháp để hạn chế tình trạng này là tiếp tục hoàn thiện định mức tiêu chuẩn chi tiêu, định mức phân bổ; thực hiện công khai minh bạch; tăng cường vai trò giám sát, đẩy mạnh thanh kiểm tra của kiểm toán; xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Liên quan đến việc tiền được giao mà tiêu không hết phải chuyển sang năm sau trong khi mỗi năm Việt Nam phải đi vay rất nhiều, ông Hưng cho hay, đây là vấn đề chuyển nguồn. Chuyển nguồn là điều không hay trong điều hành ngân sách. Nó khiến ngân sách bị méo mó, không sát với dự kiến ban đầu. Chẳng hạn như quyết toán năm 2016, có khoảng 200.000 tỷ đồng được chuyển nguồn sang năm 2017. Chuyển nguồn là chuyển nguồn dự toán chứ không phải chuyển nguồn tiền mặt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tài chính: Chi đầu tư phát triển giảm là đáng lo ngại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.