(HNMO) - Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã bổ sung
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội |
Đầu giờ sáng, trước phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13.
Theo đó, qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung vào dự thảo Luật được thực hiện trên quan điểm không làm thay đổi những chính sách hình sự lớn đã được cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến và Quốc hội khóa XIII quyết định; không dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung các đạo luật đang lùi hiệu lực thi hành cùng BLHS năm 2015.
Báo cáo cũng đã làm rõ một số nội dung được bổ sung, chỉnh lý cụ thể. Về bổ sung "Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp", bà Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị bổ sung một điều luật mới về "Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp" để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép, tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý về "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" như một số vụ án liên quan đến kinh doanh đa cấp vừa qua. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị không bổ sung.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu kinh doanh theo phương thức đa cấp mà vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả rất lớn. Thực tế vừa qua, nhiều vụ kinh doanh đa cấp vi phạm quy định của pháp luật đã gây thiệt hại cho hàng chục nghìn người, chủ yếu là người dân nghèo ở các vùng nông thôn.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 217a - "Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp".
Về "Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm", đa số ý kiến ĐBQH cho rằng, cần bổ sung định lượng vào Điều 317 nhằm tránh việc xử lý hình sự quá rộng. Tuy nhiên cần có sự phân hóa giữa việc sử dụng chất cấm và sử dụng chất chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam.
Có ý kiến đề nghị không sửa Điều này để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đang xảy ra phổ biến hiện nay.
Có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm chế biến từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh...
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra quan điểm, việc định lượng để làm căn cứ xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm là cần thiết, khả thi, tránh việc mở rộng phạm vi về đối tượng xử lý hình sự, trong đó có nhiều hộ nông dân, cá nhân sản xuất nông nghiệp, chế biến và kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ.
BLHS chỉ nên xử lý các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm mà thực phẩm có giá trị lớn, thu lợi bất chính lớn, hậu quả gây ngộ độc cho nhiều người, gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác… Các trường hợp khác chưa đến mức xử lý hình sự thì cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là xử lý hành chính nghiêm cũng đủ răn đe, phòng ngừa và hạn chế đáng kể tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm.
Do đó, tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, Điều 317 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng định lượng cụ thể các trường hợp xử lý hình sự và bổ sung một số hành vi như ý kiến ĐBQH đã nêu.
Sau phần thảo luận tại hội trường của các ĐBQH, dự kiến vào cuối ngày, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ phối hợp báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu nêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.