(HNM) - Ngày 30-10-2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, đặc biệt trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú.
Quản lý cư dân bằng mã số định danh giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính. |
Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an):
Thay đổi sổ sách thủ công sang mã số cá nhân
Phải khẳng định, việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, chứng minh nhân dân theo Nghị quyết 112/NQ-CP không có nghĩa là bỏ quản lý dân cư. Thực tế, việc quản lý dân cư bằng sổ thủ công sẽ được chuyển sang quản lý bằng mã số định danh cá nhân có trên căn cước công dân.
Các thông tin của công dân sẽ được thu thập, nhập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mỗi mã số định danh sẽ có khoảng 15 trường thông tin. Ngoài thông tin về thường trú, tạm trú, các trường này sẽ bao gồm thông tin trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, bảo hiểm… Khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch, người dân sử dụng căn cước công dân mà không cần mang theo các giấy tờ khác.
Như vậy, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú và cấp chứng minh nhân dân sẽ phụ thuộc vào tiến độ triển khai Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Nếu được bảo đảm đầy đủ kinh phí, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực... dự kiến dự án này sẽ hoàn thành trong thời gian khoảng 2-3 năm. Sau đó, Bộ Công an sẽ đề xuất lộ trình bỏ sổ hộ khẩu, bỏ sổ tạm trú. Hiện tại, các loại giấy tờ nêu trên vẫn nguyên giá trị sử dụng.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp):
Có thể làm thủ tục hành chính tại nhà
Hiện nay, mỗi công dân trưởng thành đang phải “gánh” quá nhiều loại mã số quản lý: Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, bảo hiểm y tế, mã số thuế cá nhân… Việc “chia nhỏ” các thủ tục hành chính khiến cùng lúc có quá nhiều cơ quan quản lý, khi làm thủ tục hành chính, công dân cũng phải mang theo rất nhiều giấy tờ. Đây là nguyên nhân dẫn đến những kẽ hở trong quản lý. Việc một công dân có hai chứng minh nhân dân hay dùng song song cả chứng minh nhân dân và thẻ căn cước vẫn xảy ra trong thực tế.
Để thực hiện lộ trình xây dựng chính phủ điện tử, nhất định các cơ quan, ban, ngành phải có sự phối hợp để cùng quản lý công dân bằng cách tích hợp dữ liệu trên cùng hệ thống quản lý. Lợi ích của quản lý bằng mã số định danh là rõ ràng, ở bất cứ đâu, làm bất cứ thủ tục gì, công dân chỉ cần cấp mã số là cơ quan quản lý đã có thông tin cá nhân của họ. Khi hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn thiện, người dân hoàn toàn có thể ngồi tại nhà để làm các thủ tục hành chính. Như vậy, mọi việc thuận lợi hơn rất nhiều.
Anh Trần Long (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình):
Triển khai càng sớm càng tốt
Quản lý hộ khẩu là việc quan trọng, song hành trong đời sống của người dân. Cùng với việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân thì cơ quan chức năng cũng có điều kiện để quản lý an ninh trật tự, chính trị xã hội… Tuy nhiên, việc quản lý đăng ký, cư trú bằng sổ hộ khẩu giấy đã lạc hậu trong thời đại công nghệ thông tin phát triển. Việc chuyển đổi giấy chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân với mã số định danh cá nhân là bước đầu để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thành, phục vụ việc tra cứu thông tin cá nhân đầy đủ trên hệ thống mạng điện tử thì người dân sẽ không phải mang sổ hộ khẩu giấy đi làm các thủ tục hành chính. Do vậy, việc quản lý dân cư bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân cần triển khai càng sớm càng tốt.
Ông Nguyễn Thao Hùng (Chủ tịch UBND phường Trung Liệt, quận Đống Đa):
Người dân sẽ nâng cao trách nhiệm
Hiện nay, thực hiện các quy định về công chứng, chứng thực, một số thủ tục hành chính tại cấp phường đã không cần xuất trình sổ hộ khẩu, người dân chỉ cần điền thông tin theo tờ khai và cam kết chịu trách nhiệm với nội dung đó, chính quyền xác nhận chữ ký của người kê khai. Với xu hướng thay đổi cách thức quản lý từ giấy tờ sang quản lý bằng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, không những người dân đỡ phiền hà khi giải quyết các thủ tục hành chính, mà chính quyền cơ sở cũng có điều kiện tra cứu, xử lý thông tin nhanh, dễ dàng và chính xác hơn. Khi các thông tin công dân đã được cập nhật thường xuyên, liên tục, người dân cũng sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc kê khai hành chính đầy đủ, chính xác, phù hợp với thông tin đã cập nhật trước đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.