Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản nhận định nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã biết sợ, không dám lạm dụng chất cấm nữa.
Ngày 5/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong đợt cao điểm (tháng 10/2015 đến tháng 2/2016), đơn vị này đã chủ trì thành lập nhiều đoàn, lập đường dây nóng để thu thập thông tin xử lý vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp với C49, Bộ Công an để kiểm tra đột xuất, thanh tra, điều tra, xử lý các công ty vi phạm.
Doanh nghiệp đã biết sợ
Qua thanh tra, cơ quan phát hiện và xử lý 13 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng hình phạt bổ sung (thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm vi phạm) đối với 11 công ty.
“Rất nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết bây giờ họ sợ quá rồi, không dám lạm dụng chất cấm nữa”, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho hay.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết thêm, từ kết quả giám sát trên diện rộng đối với mẫu nước tiểu lấy trong chăn nuôi, mẫu thức ăn chăn nuôi ở các doanh nghiệp và lấy mẫu phân tích thịt đều đã có chiều hướng giảm đáng kể.
Cuối đợt cao điểm, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phối hợp với C49, Bộ Công an tiến hành kiểm tra, lấy mẫu phân tích đối với các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại 10 tỉnh/thành phố với 32 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Trong số 207 mẫu thức ăn chăn nuôi bao gồm 59 mẫu phân tích chỉ tiêu Auramine và 148 mẫu phân tích chỉ tiêu Salbutamol, thì không phát hiện có chứa chất cấm. Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cũng đã lấy 118 mẫu nước tiểu và 86 mẫu thịt, không phát hiện mẫu dương tính với Auramine.
Ông Tiệp đánh giá, kết quả trên là rất đáng mừng, nhưng cũng không nên chủ quan.
"Tình trạng mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi càng trở nên khó phát hiện hơn. Việc sử dụng chất cấm hoạt động bí mật, hình thức tinh vi hơn. Đặc biệt, các chế tài xử phạt còn thấp, không đủ sức răn đe nên một số hộ vì lợi nhuận vẫn tiếp tục sử dụng”, ông Tiệp nhấn mạnh.
Cơ quan chức năng phát hiện doanh nghiệp trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi ở Hải Dương. Ảnh: Bảo Lâm |
Kháng sinh cấm trong thủy sản tăng cao
Trong khi đó, lãnh đạo ngành nông nghiệp lo lắng tình trạng kháng sinh cấm trong thủy sản tăng cao.
Theo Bộ NN&PTNT, tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau đã giảm 48%, tồn dư hóa chất kháng sinh trong sản phẩm thịt đã giảm 73%, ô nhiễm vi sinh trong thịt đã giảm 4% so với 9 tháng đầu năm 2015.
Trong số hơn 6.000 mẫu phân tích vệ sinh an toàn thực phẩm được phân tích thì 5,3% mẫu rau, quả, trái cây vi phạm, 2% mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép, Bộ NN&PTNT cho biết. Mức độ vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép ở mẫu thủy sản lên tới 7,9%.
Tỷ lệ tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm trong thủy sản đột ngột tăng gấp 7 lần so với 9 tháng đầu năm 2015. Điều này cho thấy, tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi thủy sản đã đến mức báo động.
Để xử lý dứt điểm những vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Việt cho hay, trong năm 2016, Thanh tra Bộ sẽ tập trung tạo đột phá, chuyển biến ở 4 lĩnh vực chính: Chất cấm trong chăn nuôi, kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, phân bón hữu cơ và vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng, nhiều sản phẩm nông sản có vi phạm nhưng cũng có nhiều sản phẩm an toàn. "Do cơ quan chức năng chưa hỗ trợ đơn vị phân phối thức phẩm chỉ ra đâu là những sản phẩm an toàn, khiến người tiêu dùng lúng túng và không biết tìm mua sản phẩm an toàn đó ở đâu", ông Tiệp nói.
Theo ông Tiệp, “nút thắt” ấy phần nào đã được tháo gỡ khi Bộ NN&PTNT triển khai kiểm tra, giám sát xác nhận sản phẩm an toàn. Đến nay, cả nước có 36 tỉnh, thành phố đã xây dựng được 282 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn, bày bán tại 328 cơ sở phân phối thực phẩm. Trong đó, 62 cơ sở được cấp giấy xác nhận bán sản phẩm rau, thủy sản, gạo, thịt lợn an toàn và công khai tại nơi bày bán.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.