Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ môn với Liên đoàn - “Ông chẳng bà chuộc”

Thu Minh| 08/05/2013 06:24

(HNM) -


- Thưa ông, ĐK Việt Nam vừa có thêm 1 HCB Châu Á của VĐV Đỗ Thị Thảo ở nội dung 800m, chặng 1 Giải ĐK Châu Á Grand Prix 2013 (ngày 4-5, tại Băng Cốc). Hôm nay (8-5), VĐV này bước vào cuộc đua ở chặng 2, diễn ra tại Chonburi - Thái Lan. Ông đánh giá thế nào về cơ hội của Thảo?


- Nếu có chiến thuật tốt và sung sức, tôi tin VĐV trẻ này sẽ tiếp tục ghi danh ở chặng 2, thậm chí là cả chặng cuối ở Xri Lanca vào ngày 12-5. Sức của Thảo rất tốt, có “cửa” đoạt HCV. Có điều, càng mừng cho Thảo, tôi càng thấy tiếc…

- Ông nói vậy là sao?

- Thảo là VĐV Việt Nam duy nhất dự giải này. Ngoài 2 VĐV bị chấn thương, có 3 VĐV bị “rút”, không dự giải, gồm Quách Thị Lan (chạy 400m), Nguyễn Văn Lai (chạy 5.000m) và Nguyễn Văn Hùng (nhảy 3 bước). Lý do mà BM đưa ra là “không đủ kinh phí”. Xem kỹ chỉ số thành tích chặng 1, dễ thấy với trình độ hiện tại, cả 3 VĐV này đều có khả năng tranh chấp huy chương, thậm chí là HCV. Các em không những mất cơ hội cọ xát đỉnh cao ở 3 chặng mà còn mất cơ hội tranh chấp giành tiền thưởng cao - điều rất cần đối với các VĐV của ta trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn. Giải thưởng cho các tấm HCV, HCB, HCĐ của mỗi chặng lần lượt ở mức 1.500 USD, 800 USD và 500 USD.

- Trở lại chuyện chỉ có 1 trong số 6 VĐV thi đấu tại giải, rốt cuộc LĐ có bị phạt vì việc này?

- Việt Nam chưa bị phạt nhưng rõ ràng uy tín bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi đây là giải nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của LĐ Điền kinh Châu Á và BTC mời đích danh các VĐV hàng đầu châu lục sau khi chọn lựa thông qua danh sách mà các quốc gia đề cử. Nếu Việt Nam không có kế hoạch cử nhiều VĐV tham dự thì ngay từ đầu đừng gửi danh sách đề cử lên đến 8 VĐV sang cho họ lựa chọn nữa (trong 8 người, BTC chọn 6 VĐV - PV), BTC sẽ chọn VĐV khác. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch của BTC.

- Theo ông, lỗi nằm ở khâu nào?

- Chuyện này giống kiểu “quýt làm cam chịu”. LĐ chỉ đóng vai trò cầu nối cung cấp thông tin và chuyển đăng ký thi đấu sang phía bạn. Còn quyết định mọi vấn đề là BM. Theo cơ chế hiện nay, BM là nơi được phép sử dụng nguồn ngân sách nhà nước phân bổ hằng năm. Nhưng LĐ chịu trách nhiệm về quan hệ quốc tế, nên bị lãnh đạo Hiệp hội ĐK Châu Á nhắc nhở gay gắt.

ĐK Việt Nam là môn trọng điểm, luôn được ưu tiên về kinh phí cho các VĐV tập huấn và thi đấu (khoảng 150.000 USD/năm). Thật nghịch lý khi các môn khác mong được tham gia cọ xát ở các giải lớn mà không được, còn ĐK lại bỏ phí cơ hội được thi đấu với các VĐV hàng đầu châu lục.

- Phải chăng có sự “vênh” nhau giữa LĐ và BM, dẫn đến sự cố nói trên?

- Rất nhiều đề xuất của LĐ không được BM lưu ý hoặc bỏ qua như chuyện điều trị chấn thương của Trương Thanh Hằng tại Đức hay đề xuất xem xét “Tiêu chuẩn tuyển chọn VĐV dự SEA Games” do chuyên gia Đức hỗ trợ xây dựng và mới đây nhất là chuyện tìm chuyên gia, địa điểm tập huấn nước ngoài cho VĐV Quách Thị Lan theo đề nghị của đơn vị chủ quản Thanh Hóa. Các việc này, khi có ý kiến đề nghị, LĐ đều chủ động vào cuộc liên hệ với các đối tác quốc tế nhưng cứ xong việc là BM hoặc từ chối hoặc im lặng, giao việc rồi tự tìm đường riêng, đặt LĐ vào tình thế “dở khóc dở cười”.

- Có giải pháp nào để mối quan hệ giữa LĐ và BM tốt hơn?

- Hiện đã có Luật TDTT và Thông tư 01/2013/TT-BVHTTDL quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ của các bên. Tuy nhiên, để áp dụng các quy định này vào thực tế, rất cần có quy chế quy định trách nhiệm cụ thể từng bên. Trước mắt, để tăng cường sự phối hợp, LĐ rất cần BM thông báo kế hoạch hoạt động của môn điền kinh năm 2013 để LĐ chủ động triển khai công việc. Giờ đã là tháng 5, đề xuất rất nhiều lần mà BM vẫn không có sự trả lời rõ ràng.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ môn với Liên đoàn - “Ông chẳng bà chuộc”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.