(HNM) - Bộ máy hành chính vẫn cồng kềnh, tỷ lệ tinh giản biên chế trong cơ quan hành chính nhà nước mới đạt 0,83%, cho thấy mục tiêu Nghị quyết 39-NQ/TƯ ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” đặt ra chưa được như mong muốn.
Ảnh minh họa |
Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 cho thấy, hiện có 198 đơn vị/22 bộ, cơ quan ngang bộ có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng trong bộ. Đáng chú ý, tỷ lệ tổng cục so với tổng số vụ và tương đương là 50%. Việc hình thành nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân trong bộ khiến bộ máy tổ chức hành chính trở nên cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian.
Theo thống kê, dù đã có sự sắp xếp, điều chỉnh, song trong 5 năm (2011-2016), số đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ vẫn tăng. Nếu như năm 2011 có 482 đơn vị thì năm 2016 có 510 đơn vị (tăng 28 đơn vị). Số đơn vị hành chính thuộc tổng cục cũng tăng 822 đơn vị (từ 3.045 đơn vị năm 2011 lên 3.867 đơn vị năm 2016). Chưa kể, trong 5 năm có 29 cục được thành lập, tăng thêm 180 phòng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng biên chế.
Báo cáo giám sát của Quốc hội chỉ rõ, biên chế công chức được quản lý chặt chẽ hơn và có xu hướng giảm (từ năm 2014, trung bình mỗi năm giảm hơn 4.000 biên chế), nhưng vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương sử dụng vượt quá số định biên được giao.
Cụ thể, có 13/15 bộ, cơ quan ngang bộ dư biên chế tại các vụ, cục (Bộ Tài chính dư 6.318 biên chế; Bộ Nội vụ dư 492 biên chế; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dư 604 biên chế). Ở địa phương, mới có 52/63 tỉnh, thành phố sử dụng đúng hoặc ít hơn biên chế được giao.
Tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế trong hai năm 2015, 2016 là 17.694 người, trong đó, các cơ quan hành chính là 2.253 người/tổng số 272.952 biên chế (0,83%). Ở các đơn vị sự nghiệp công lập là 11.206 người/tổng số 2.093.313 biên chế (đạt 0,54%).
Như vậy, nghịch lý ở đây là trong khi số giản biên chế còn rất ít thì tình trạng sử dụng vượt định biên lại khá cao và là hiện tượng không bình thường.
Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến “hiện tượng không bình thường”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan còn do nhiều cơ quan không chấp hành đúng văn bản quy định. Từ thực tế, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cần xem lại cách xây dựng Đề án vị trí việc làm, bởi mục đích đặt ra là sắp xếp đúng người, đúng việc, tránh “phình” bộ máy.
Kinh nghiệm tại một số bộ, ngành, địa phương cho thấy, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước cần có quyết tâm chính trị, tạo sự đồng thuận cũng như phải thực hiện quyết liệt, kiên trì và bài bản. Thông qua đợt giám sát thực tế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, Hà Nội là một trong những địa phương triển khai tốt Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị theo hướng vừa tinh giản, vừa cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố trưởng thành hơn, sâu sát, nắm chắc vấn đề quản lý.
Đặc biệt, TP Hà Nội đã giải quyết tinh giản biên chế 5 đợt với 297 trường hợp, trong đó có 47 công chức, 184 viên chức và 66 công chức cấp xã và không có đơn, thư khiếu nại.
Yêu cầu được đặt ra trong Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị là đến năm 2021, tỷ lệ tinh giản biên chế phải đạt tối thiểu 10% so với năm 2015. Điều này, đồng nghĩa, từ nay đến năm 2021, các bộ, ngành, địa phương phải rất quyết tâm để mỗi năm tinh giản gần 2% biên chế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.