(HNMO) - Bộ Luật Lao động 2012 đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn còn một số điều khoản chồng chéo và chưa phù hợp. Nhiều bất cập cũng như các văn bản hướng dẫn Luật này đã được chỉ ra trong các cuộc hội thảo do Bộ LĐTB&XH tổ chức…
Qua ba năm thực hiện, Bộ luật đã phát huy hiệu quả, đi vào thực tiễn cuộc sống một cách tích cực. Thông qua các quy định: Khái niệm cưỡng bức lao động; đối xử bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ; tiêu chí và cơ chế xác định tiền lương tối thiểu... Bộ luật đã có bước tiến mới, nhằm hài hòa các quy định về vấn đề lao động trong các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Đồng thời đã có tới 66 văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật được ban hành trong hơn 3 năm qua để hướng dẫn thực thi cụ thể một số điều của Bộ luật Lao động 2012. Tuy nhiên, chất lượng của những văn bản hướng dẫn này vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Lấy ví dụ về vấn đề quản lý lao động và tiền lương, Nghị định 44 về Hợp đồng lao động đã nhắc đến những vấn đề này nhưng Nghị định 05 lại bao quát thêm một lần nữa.
Hay như Thông tư 23 hướng dẫn một số điều về tiền lương của Nghị định 05/2015/NĐ-CP ra ngày 23-6-2015 thì ngày 16-11-2015 lại có tiếp Thông tư 47 hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ. Nhiều DN đã phải kêu khổ khi thực thi Bộ Luật Lao động vì làm bất cứ một việc gì là phải tra cứu cùng lúc nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn.
Còn các DN xuất khẩu thủy sản lại than thở đến các quy định của Bộ Luật Lao động liên quan đến chính sách an sinh xã hội, trách nhiệm xã hội. Khách hàng nước ngoài khi mua hàng ngoài quy định riêng họ còn đánh giá sản phẩm có vi phạm chính sách an sinh xã hội theo quy định của Bộ Luật Lao động Việt Nam hay không? Thông thường là vi phạm giờ làm việc, giờ làm thêm…
Ngay vấn đề tiền lương cũng khá bất cập, vướng mắc. Bộ Luật Lao động quy định: Việc trả lương phải được thực hiện một cách bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau. Tuy nhiên, một số quy định của pháp luật chưa rõ ràng làm lúng túng, gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Cụ thể cơ chế tiền lương trong doanh nghiệp còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt (chủ yếu dựa trên quy định tiền lương tối thiểu do Chính phủ quy định hàng năm và thang bảng lương) dẫn đến tình trạng năng suất, chất lượng lao động chưa cao.
Đặc biệt pháp luật đã không ghi nhận giới hạn của từng khoản tiền người sử dụng lao động chi trả người lao động, cho nên doanh nghiệp đã "lách" để hợp lý hóa các khoản chi. Ví dụ, họ xây dựng một loạt các loại phụ cấp và trợ cấp với tổng mức hưởng cao hơn nhiều so với tiền lương người lao động được hưởng…
Nhiều ý kiến đưa ra tại Hội thảo tổng kết 3 năm thi hành Bộ Luật Lao động năm 2012 ngày 8/9/2016 tại Hà Nội do Bộ LĐTB&XH tổ chức cho thấy sự bất cập trong vấn đề tiền lương. Như quy định giờ giấc làm thêm, quy định tuổi nghỉ hưu không phù hợp và quy định thang bảng lương phải lấy ý kiến Công đoàn cơ sở hoặc Công đoàn cấp trên cơ sở song quy định này rất khó thực thi vì trên thực tế số doanh nghiệp không có công đoàn cơ sở còn khá cao.
Đại diện Bộ LĐTB &XH cũng thừa nhận, một số quy định của pháp luật chưa cụ thể dẫn đến lúng túng trong áp dụng. Trong khi đó các doanh nghiệp xây dựng quy chế trả lương, trả thưởng, nâng bậc lương cho người lao động còn mang tính hình thức, chưa phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp.
Mặc dù hệ thống thang bảng lương doanh nghiệp xây dựng có nhiều bậc nhưng người lao động không được nâng bậc lương, chỉ khi nào mức lương tối thiểu vùng tăng thì người lao động mới được tăng theo tỷ lệ tương ứng hoặc theo một mức cố định không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng…
Về giờ giấc làm thêm, đại diện cho giới chủ sử dụng lao động đề nghị bãi bỏ giới hạn làm thêm giờ theo ngày, theo tháng, chỉ quy định làm thêm giờ theo năm. Quy định giới hạn làm thêm giờ cần linh hoạt dựa trên tính chất từng ngành nghề…
Việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động là hết sức cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc, lành mạnh quan hệ lao động, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho người lao động cũng như tháo gỡ nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Dự kiến, dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 3 và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa 14.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.