(HNMO) Chiều 29- 10, trao đổi với phóng viên Hànộimới, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi khẳng định, thời gian qua, sự vào cuộc, giải quyết các kiến nghị cử tri về nhiều vấn đề dân sinh bức xúc của Hà Nội, các bộ, ngành TƯ đã thành nề nếp.
Song trong lĩnh vực giáo dục, có những vấn đề nóng hổi dư luận đặt ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo phản ứng rất chậm.
-Đến thời điểm này, các bộ, ngành, địa phương đã trả lời 100% kiến nghị cử tri, trong đó rất nhiều vấn đề thời sự đã được giải quyết, tuy mới là khởi đầu. Ông đánh giá chất lượng trả lời đã tốt chưa?
-Phải thừa nhận phản hồi của các cơ quan Trung ương, địa phương với những vấn đề cử tri nêu đến nay đã đi vào nề nếp. Đương nhiên, tôi được biết không phải vấn đề nào cử tri cũng thoả mãn, đặc biệt là với những vấn đề đã trả lời nhưng chưa giải quyết được triệt để hay những vấn đề có sự xung đột lợi ích, quan điểm giữa cơ quan nhà nước và một bộ phận cử tri, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng… Vì vậy, tôi cho rằng việc hỏi đi hỏi lại một vấn đề cũng là bình thường, vì có những việc do lịch sử để lại, không thể xử lý được ngay mà phải có thời gian. Riêng với các vấn đề vĩ mô, không liên quan đến lợi ích cá nhân, cử tri dễ chấp nhận với những giải thích đưa ra hơn.
-Dư luận cho rằng các phản ứng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước các vấn đề nhân dân quan tâm chậm, kể cả đối với chủ trương gần đây là không chấm điểm học sinh tiểu học. Dưới góc nhìn của Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông đánh giá thế nào?
- Có lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rút kinh nghiệm, khi công bố bất kể chủ trương chính sách gì phải chuẩn bị rất kỹ các luận cứ chứng minh, để khi có ý kiến của xã hội có thể phản ứng ngay một cách chủ động. Nhiều chủ trương của Bộ đúng đấy chứ, đặc biệt không chấm điểm học sinh tiểu học là rất phù hợp với khoa học sư phạm hiện đại, các nước đã làm rồi. Nhờ vậy, bệnh thành tích trong nhà trường, hiện tượng ép các cháu học nhiều, học thêm đã giảm hẳn. Nhưng không chỉ trong việc này mà nhiều việc khác, khi dư luận xã hội chưa hiểu, thắc mắc thì Bộ lại phản ứng quá chậm, để cho dư luận ồn ào, bức xúc mới có người trả lời. Đặc biệt, cán bộ trả lời có lúc lại không phải người có thẩm quyền trong bộ để bàn về vấn đề đó. Như vậy là quá bị động.
-Với các kiến nghị của cử tri Hà Nội, ông đánh giá UBND TP Hà Nội đã trả lời xác đáng?
- Thực ra nếu làm được cuộc đánh giá tổng kết về vấn đề này mới có bức tranh mô tả thật rõ nét chất lượng trả lời kiến nghị của cử tri. Tôi thấy đa số đơn thư, thắc mắc kiến nghị của cử tri Hà Nội là những vấn đề rất cụ thể, diễn ra trên địa bàn thành phố. Nhìn tổng thể, Hà Nội đã trả lời khá chi tiết, đầy đủ, rất kịp thời. Nhiều nội dung đại biểu quốc hội cung cấp thông tin chi tiết thì người dân không phản ứng nữa, lượng phản ứng rất ít. Việc này một phần do Thường trực HĐND và lãnh đạo UBND thành phố định kỳ tổ chức tiếp công dân hằng tháng theo vụ việc khiếu nại, tố cáo đối với những trường hợp phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết. Qua đó, người dân cũng đã nắm được tiến độ xử lý, góp phần hạn chế những bức xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.