Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ Giáo dục gỡ rối đào tạo thạc sĩ

Theo Ngân Anh| 07/06/2014 13:42

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng giải đáp trước một số phản hồi về quy chế đào tạo thạc sĩ mới có hiệu lực thực thi từ ngày 1/7.


Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT).



Trường phải tự quy đổi điểm ngoại ngữ

Khi quy chế mới được ban hành, về việc miễn kiểm tra đánh giá môn ngoại ngữ cho một số đối tượng, không ít trường đã cho rằng quy định này không rõ ràng gây khó khăn cho các trường trong quá trình thực hiện. Bà có thể giải thích rõ hơn vấn đề này?

- Quy chế có quy định học viên được miễn đánh giá học phần ngoại ngữ, nếu đủ điều kiện về ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra của cơ sở đào tạo. Nếu thấy chưa rõ thì cơ sở đào tạo có thể quy định chi tiết thêm.

Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, có 2 cách nhà trường có thể lựa chọn để thực hiện: Đó là ghi vào bảng điểm phần điểm của môn ngoại ngữ là “miễn” và không tính vào điểm trung bình chung; hoặc trường cũng có thể tự quy định bảng quy đổi điểm ngoại ngữ đối với các trường hợp được miễn để ghi vào bảng điểm, tính vào điểm trung bình chung.

Còn nếu như học viên không thích miễn, muốn thi để tính vào điểm trung bình chung, các trường cứ cho thi. Miễn thi là quyền lợi của học viên, chứ không bắt buộc là không được vào thi.

Trong quy chế có nói tới việc thủ trưởng cơ sở phải xác thực chứng chỉ ngoại ngữ. Nếu như chưa đủ độ tin cậy, thí sinh không chứng minh được, trường có thể đề nghị Cục Khảo thí xác nhận hoặc yêu cầu thí sinh phải dự thi hoặc cho miễn thi nhưng thí sinh phải cam đoan nếu sau khi miễn thi mà có căn cứ kết luận chứng chỉ không hợp pháp hoặc cơ sở cấp không có quyền đó thì người dự thi bị coi là không đủ điều kiện trúng tuyển - đó là quyền của trường.

Một số trường cho rằng thực hiện quy chế mới ngay từ 1/7 là quá gấp, những trường tuyển cao học đợt thứ hai (nửa sau năm 2014) sẽ không chuẩn bị kịp. Ý kiến của bà về thắc này?

- Những trường đã thông báo tuyển sinh theo quy chế cũ sẽ thi tuyển theo thông báo. Nhưng khi học đã vào thời điểm quy chế mới có hiệu lực rồi thì phải học theo các quy định của quy chế mới.

Từ ngày 1/7 quy chế có hiệu lực nhưng thực tế, không có trường nào thi tuyển cao học vào tháng 7 vì nghỉ hè và tuyển sinh đại học. Thi tuyển cao học thường được tổ chức vào tháng 9, tháng 10 hoặc sớm là cuối tháng 8. Từ lúc thi cho đến lúc có quyết định trúng tuyển tối thiểu 2 tháng. Khi đó mới ra được quyết định trúng tuyển. Và thời điểm nhập học sau thời điểm có quyết định trúng tuyển ít nhất là nửa tháng.

Như vậy từ lúc thi tới lúc nhập học ít nhất cũng phải 3 tháng. Tính trung bình thi tháng 8, 9 thì tháng 11, 12 nhập học.

Khi vào học, học viên sẽ học triết và ngoại ngữ trước. Tính toán qua lại phải sau tết âm lịch, tới tháng 3, tháng 4/2015 học viên mới học chuyên ngành.

Quy chế không bắt các trường xây dựng chương trình mới hoàn toàn, mà căn cứ trên chương trình của các chuyên ngành đã và đang đào tạo, các trường rà soát, định hướng lại, bổ sung kiến thức cho rõ theo định hướng nghiên cứu hay ứng dụng hoặc hoàn thiện thêm để có cả hai loại chương trình cho mỗi ngành, chuyên ngành đào tạo. Ví dụ như chương trình theo định hướng nghiên cứu cần bổ sung kiến thức chuyên sâu của ngành, chuyên ngành và phương pháp nghiên cứu khoa học…

Yêu cầu luận văn không quá cao

Với những yêu cầu Bộ GD-ĐT đưa ra đối với luận văn thạc sĩ, đã có ý kiến cho rằng bộ đang cường điệu hóa bậc học này. Theo bà, có thể hiểu những chữ “mới” trong yêu cầu về luận văn như thế nào?

- Quy chế quy định luận văn chương trình theo định hướng nghiên cứu “có đóng góp mới về mặt lý luận, học thuật hoặc có kết quả mới trong nghiên cứu một vấn đề khoa học mang tính thời sự thuộc chuyên ngành đào tạo”.

Học viên, người hướng dẫn và các hội đồng chấm có thể tuỳ đề tài mà lựa chọn yêu cầu đối với luận văn. Khi có chữ “hoặc” thì không nhất thiết luận văn nào cũng phải đáp ứng tất cả những yêu cầu được liệt kê.

“Mới” ở đây cần được hiểu là so với những công trình liên quan đến đề tài đã công bố ở Việt Nam và quốc tế. Những gì người khác đã công bố rồi thì không còn là mới nữa.

Thông lệ quốc tế cũng như vậy, chia đào tạo thạc sĩ thành 2 loại, nghiên cứu và ứng dụng.

Đối với thạc sĩ ứng dụng thì sao, thưa bà?

- Trong yêu cầu về luận văn thạc sĩ của chương trình ứng dụng cũng có chữ “mới” nhưng nó mang hàm ý khác - không phải là nghĩ ra một mô hình mới để áp dụng. Mô hình mới này có thể là mô hình do người khác hoặc khâu khác đã nghiên cứu ra. Bây giờ, học viên ứng dụng, chuyển giao nó vào trong điều kiện thực tế của một cơ quan, đơn vị, tổ chức nào đó.

Một năm có mấy chục nghìn thạc sĩ ra trường, đòi hỏi mấy chục nghìn phát hiện, lý luận mới có phải là quá kỳ vọng không, thưa bà?

- Chưa có con số chính thức nhưng theo thông lệ ở các nước đã chia theo hai định hướng thì số người theo định hướng thạc sĩ nghiên cứu chỉ chiếm tỉ lệ dưới 20% học viên cao học. Mà nhu cầu sử dụng lao động làm công tác nghiên cứu chắc cũng chỉ ở tỷ lệ đó.

Tỉ lệ học viên cao học theo hướng nghiên cứu ở Việt Nam chiếm bao nhiêu %? Nếu Bộ không đưa ra khung cứng hay một giới hạn nào đó, liệu học viên sẽ khó xác định họ nên học theo hướng gì sẽ tốt hơn?

- Những quy chế ngay trước đây không quy định nội dung này nên chúng tôi không thể có thống kê. Thực tế có một số ít trường có thí điểm đào tạo. Tôi có trao đổi với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì thạc sĩ nghiên cứu khoảng từ 10 – 20% tùy theo từng ngành.

Bởi vì khối đại học tự chủ rất cao nên Bộ chỉ đưa ra nguyên tắc cho các trường tự xác định, chứ không quy định cứng được. Mỗi ngành, mỗi trường rất khác nhau.

Trong Quy chế, ở điều 19 có “cài” nội dung định hướng cung cấp kiến thức cho người học để thực hiện công việc sau này. Điều đó để định hướng cả cho người xây dựng chương trình lẫn người học. Người học xác định hướng vào học xong làm ở đâu, làm gì để chọn lựa. Còn điều 20 quy định các căn cứ để cơ sở đào tạo khi xây dựng chương trình.

Ở Việt Nam, mặc dù chưa thực hiện nhưng cũng không phải là biệt lệ, nhu cầu sử dụng thạc sĩ nghiên cứu cũng không thể nhiều, các trường không thể đào tạo nhiều thạc sĩ nghiên cứu. Tỷ lệ cụ thể có thể cũng tùy theo từng ngành, từng trường. Trường định hướng nghiên cứu có thể đào tạo thạc sĩ nghiên cứu nhiều hơn các trường khác và ngược lại…

Cái chính là các trường phải có trách nhiệm trong việc này. Nếu các trường không căn cứ vào thực tế, khảo sát nhu cầu mà đào tạo, tức là các trường không tính kỹ cho đầu ra của mình. Một trong những điều làm nên uy tín của trường là học viên có việc làm sau đào tạo. Đào tạo có tính toán, để học viên ra trường không thất nghiệp thể hiện đẳng cấp của các trường.

Xin cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ Giáo dục gỡ rối đào tạo thạc sĩ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.