(HNMO) - Vừa qua, Hội đồng điểm sàn đã họp và xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) với khối ngành y dược và sư phạm. Ngày 22-7, trên trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Vụ Giáo dục đại học đã thông tin làm rõ một số nội dung xung quanh vấn đề này.
2019 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng cho nhóm ngành sư phạm và sức khỏe (y dược) có cấp chứng chỉ hành nghề. Theo công bố của Bộ, điểm sàn đối với ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2019 cao nhất là 18 điểm (đại học sư phạm), 16 điểm (cao đẳng sư phạm) và thấp nhất là 14 điểm (trung cấp sư phạm). Với khối ngành y dược, điểm sàn xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh trình độ đại học hệ chính quy năm 2019 là từ 18 đến 21. Mức điểm sàn này áp dụng cho tất cả tổ hợp xét tuyển.
Thống kê cho thấy, ở trình độ đại học, số dư nguồn tuyển của các ngành đào tạo giáo viên hiện nay là khoảng 1,51/chỉ tiêu tuyển sinh. Đối với nhóm các ngành y dược, số dư như sau: Y khoa khoảng 1,77; răng hàm mặt 5,08; y học cổ truyền 1,25; dược học 1,29; các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng có số dư là 1,18.
Số dư nguồn tuyển chênh lệch giữa các ngành phản ánh tính hấp dẫn và nhu cầu của người học đối với ngành đó. Điều đó cũng chứng tỏ điểm sàn chủ yếu để đáp ứng mục đích đảm bảo yêu cầu chất lượng của các ngành, có tham khảo nhưng không phụ thuộc vào số dư nguồn tuyển.
Vụ Giáo dục đại học lưu ý, căn cứ chủ yếu để xác định điểm sàn là yêu cầu về chất lượng đối với nguồn tuyển của ngành sư phạm và sức khoẻ, để đảm bảo và nâng cao chất lượng đội ngũ thầy cô giáo, thầy thuốc và cán bộ y tế. Nguồn tuyển chỉ là một tiêu chí để tham khảo, không được phép căn cứ vào nguồn tuyển để hạ điểm sàn, không vì tuyển đủ chỉ tiêu mà hạ điểm sàn quá thấp, hay nói cách khác là không đánh đổi chất lượng lấy số lượng, nhất là trong điều kiện hiện nay, nguồn để tuyển dụng giáo viên và cán bộ y tế không thiếu.
Theo Vụ Giáo dục đại học, năm 2019, đề thi THPT quốc gia đã đáp ứng tiêu chí 60% là kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp phổ thông. Phân tích phổ điểm cho thấy, đề thi có độ phân hóa tốt. Nếu căn cứ vào tỷ lệ thí sinh đạt từng ngưỡng điểm thì năm nay, trường nào xác định điểm sàn 13 chỉ tương đương với mức 12 điểm của năm 2018.
Năm 2018, toàn hệ thống có khoảng 30 trường có ngành lấy điểm sàn đến 13, chủ yếu là các trường tư thục, trường thuộc một số tỉnh ở địa bàn khó khăn và trường đào tạo khối ngành nông lâm, thủy lợi… Những nhóm ngành này sinh viên ra trường có việc làm sớm, làm đúng ngành đào tạo, thậm chí có ngành thiếu nhân lực, nhưng do không được thí sinh ưa thích, lựa chọn nên phải xác định điểm sàn thấp. Nhưng những trường ở địa bàn không thuận lợi vẫn không đủ nguồn tuyển.
Tuy nhiên, không phải tất cả những trường lấy điểm sàn thấp đều là những trường kém chất lượng. Các trường phải xác định giáo dục đại học là giáo dục bậc cao, dù trong hoàn cảnh nào thì các trường cũng không nên đánh đổi chất lượng để lấy số lượng nguồn tuyển.
Theo quy định, điểm sàn của các trường do các trường tự chủ quyết định nhưng phải đưa vào đề án tuyển sinh và công khai trên cổng thông tin của Bộ để thanh, kiểm tra và xã hội giám sát. Sau khi thí sinh trúng tuyển, các trường phải cập nhật danh sách nhập học lên cơ sở dữ liệu tuyển sinh để thống kê và kiểm tra việc thực hiện các điều kiện xét tuyển. Quy trình trên hoàn toàn có thể kiểm soát được tình hình xác định và thực hiện điểm sàn của các trường.
Cổng thông tin https://thituyensinh.vn cũng sẽ công khai các thông tin về điểm sàn của các trường để dư luận xã hội, phụ huynh, thí sinh, đối tác, người sử dụng lao động… đánh giá, cân nhắc về chất lượng của các trường hoặc thiết lập quan hệ đối tác...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.