Thế giới

Bồ Đào Nha đối mặt nguy cơ khủng hoảng chính trị

Quỳnh Dương 12/11/2023 - 07:26

Sau khi Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa tuyên bố từ chức vì liên quan tới cuộc điều tra tham nhũng, một cuộc bầu cử trước thời hạn được ấn định vào ngày 10-3-2024.

Tuy nhiên, dư luận nước này lo ngại bất ổn chính trị kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới lộ trình triển khai các chính sách trong bối cảnh triển vọng kinh tế đang có những dấu hiệu không mấy sáng sủa.

bo-dao-nha.jpg
Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa đã phải từ chức khi cuộc điều tra liên quan tới cáo buộc tham nhũng trong chính phủ diễn ra.

Ông Andre Azevedo Alves, Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Catolica cho biết, cuộc điều tra tham nhũng là một “cú đánh rất mạnh” vào bất kỳ tham vọng nào của đảng Xã hội (PS) do ông Antonio Costa đứng đầu, vốn cầm quyền từ năm 2015.

Kết quả cuộc thăm dò dư luận đầu tiên sau khi Thủ tướng Antonio Costa từ chức do tổ chức Intercampus công bố ngày 11-11 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ PS đã giảm xuống 17,9% từ mức 25,2% trong tháng 10. Trong khi đảng Dân chủ Xã hội trung hữu đối lập (PSD) ở mức 21,8%. Gần 20% cử tri chưa đưa ra quyết định rõ ràng.

Do uy tín bị ảnh hưởng nặng nề bởi những bê bối xung quanh dự án phát triển hydro xanh và quyền khai thác mỏ lithium, khả năng PS đứng đầu cuộc bầu cử sắp tới được nhận định là rất thấp. PSD có thể sẽ giành chiến thắng nhưng số phiếu ủng hộ chưa chắc đã vượt qua 50% để tự đứng ra thành lập một chính phủ. Andre Ventura, nhà lãnh đạo dân túy của đảng Chega theo đường lối cực hữu, lực lượng lớn thứ ba trong quốc hội, có thể trở thành đối tác để PSD thành lập chính phủ liên hiệp.

Cuộc khảo sát của Intercampus cho thấy, sự ủng hộ dành cho Chega khá cao, ở mức 13%. Tuy nhiên, “cái bắt tay” với một đảng có nhiều lập trường khác biệt cùng tư tưởng chống người nhập cư sẽ làm gia tăng nguy cơ bất ổn trên chính trường.

Ông Luis Montenegro, lãnh đạo PSD cho đến nay vẫn chưa phát đi tín hiệu nào về việc sẽ chấp nhận liên minh như vậy. Song, không kết hợp với Chega đồng nghĩa PSD sẽ phải kết hợp với nhiều đảng nhỏ hơn. Tình trạng “chín người, mười ý” cũng là điều khó có thể tránh khỏi.

Trong 2 năm qua, Bồ Đào Nha đã phải tổ chức 2 cuộc bầu cử trước thời hạn. Nỗi lo bất ổn dường như đã tạo thành “bóng đen” đối với nhiều cử tri từ cuộc khủng hoảng chính trị đầu năm 2022, sau khi Quốc hội nước này bác dự thảo ngân sách nhà nước của Chính phủ. Đây là lần đầu tiên trong 45 năm qua Quốc hội Bồ Đào Nha không thông qua văn bản nói trên và đã chấm dứt quãng thời gian 6 năm tương đối ổn định kể từ khi Thủ tướng Antonio Costa bắt đầu lãnh đạo nội các. Theo Tổng thống Rebelo de Sousa, động thái này đã làm suy yếu hoàn toàn nền tảng ủng hộ chính phủ, trong khi năm 2022 được cho là năm quyết định để đưa đất nước thoát khỏi đại dịch Covid-19 và khủng hoảng xã hội.

Bất ổn chính trị đã gây ra những hệ lụy không nhỏ đối với nền kinh tế Bồ Đào Nha khi làm chậm tốc độ đưa ra các biện pháp giải quyết tình trạng lạm phát và khủng hoảng nhà ở vào đầu năm nay. Số liệu của cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho thấy, trong vòng 12 năm qua, giá nhà ở Bồ Đào Nha đã tăng 80%, vượt qua mức trung bình của Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, mức lương tối thiểu năm 2023 là 760 euro/tháng (tương đương 801,27 USD). Tuy nhiên, khoảng 65% người lao động dưới 30 tuổi chỉ kiếm được ít hơn 1.000 euro/tháng, nhưng giá thuê trung bình cho căn hộ một phòng ngủ ở thủ đô Lisbon vào khoảng 1.350 euro, giá nhà khoảng 5.116 euro/m2. Một số người thậm chí không thể chi trả các khoản khác sau khi trả tiền thuê nhà và buộc phải rời bỏ thành phố để có cuộc sống ổn định hơn.

Theo ước tính sơ bộ của Viện Thống kê quốc gia (INE), tốc độ phát triển kinh tế của Bồ Đào Nha đang chậm lại. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 2% trong quý III do xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm.

Trước mắt, dự luật ngân sách năm 2024 dự kiến sẽ được bỏ phiếu tại quốc hội vào ngày 29-11. Vì PS chiếm đa số ghế nên không có nhiều nghi ngờ về việc ngân sách sẽ được thông qua. Tuy nhiên, việc triển khai các khoản giải ngân từ quỹ phục hồi của EU vào những dự án khác nhau nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi quá trình thành lập chính phủ sau cuộc bầu cử vào tháng 3 năm tới.

Không thể phủ nhận từ khi lên nắm quyền vào năm 2015, Thủ tướng Antonio Costa đã có những bước đi mạnh mẽ để khôi phục nền kinh tế Bồ Đào Nha, vốn vẫn được xem là một “mắt xích yếu” của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Bê bối hiện nay không chỉ khiến uy tín của đảng PS cầm quyền lao dốc mà còn có thể đưa Bồ Đào Nha đối mặt với những khủng hoảng mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bồ Đào Nha đối mặt nguy cơ khủng hoảng chính trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.