Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thực thi công vụ.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và nhà nước về phòng, chống tham nhũng; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4-2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Mặt khác, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp và Chỉ thị số số 04/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng chống tiêu cực trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng đó, phát huy trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, nói phải đi đôi với làm; có biện pháp nhằm chấn chỉnh ngay tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực; thái độ, trách nhiệm và văn hóa ứng xử chưa chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị chỉ đạo và thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của bộ.
Các đơn vị trong ngành tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Kiểm tra, giám sát, đôn đốc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc.
Đặc biệt, báo cáo Bộ Công Thương (thông qua Vụ Tổ chức cán bộ) nếu cơ quan, đơn vị có kết quả kiểm tra, xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Hơn nữa, thực hiện nghiêm túc quy định về tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về thủ tục hành chính. Tổ chức việc đối thoại theo định kỳ và thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng thẩm quyền, không để xảy ra tình trạng khiếu nại vượt cấp.
Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị thường xuyên thanh tra, kiểm tra công vụ trong việc thi hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hóa công sở tại cơ quan và các đơn vị trực thuộc; gắn kết quả thực hiện Chỉ thị này với đánh giá chất lượng, bình xét thi đua, khen thưởng của cơ quan, đơn vị.
Không những thế, kịp thời phát hiện và xử lý kỷ luật nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính và kiên quyết thực hiện việc tinh giản biên chế, đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chỉ thị cũng nêu rõ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương phải nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân; thực hiện quy tắc, văn hóa ứng xử nơi công sở của cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, thực hiện đúng và đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; không được lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, gây phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động căn cứ vào vị trí việc làm, nhiệm vụ được phân công tiến hành xây dựng kế hoạch báo cáo thủ trưởng đơn vị để quản lý, theo dõi, chỉ đạo, giám sát. Chấp hành nghiêm túc nội quy, quy chế, thời giờ làm việc tại cơ quan, đơn vị.
Vụ Tổ chức cán bộ phải tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính của các cơ quan, đơn vị thuộc bộ.
Căn cứ kết quả kiểm tra, tham mưu, đề xuất hình thức xử lý kỷ luật đối với cá nhân, tập thể vi phạm; đề xuất xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.
Thanh tra Bộ Công Thương có nhiệm vụ chủ trì việc thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, đơn thư khiếu nại, tố cáo các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong công tác quản lý công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, xây dựng kế hoạch thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về việc rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng.
Văn phòng Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung Chỉ thị này đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động biết và thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.