Bộ Công Thương dự kiến đề nghị Chính phủ dừng, không cho phép triển khai Dự án Nhà máy bột giấy Lee & Man tại tỉnh Hậu Giang.
Sắp quyết định "số phận" các nhà máy của Lee & Man
Bộ Công Thương trong thời gian tới sẽ chính thức có những đề xuất với Chính phủ, theo đó, sẽ quyết định "số phận" của các dự án Nhà máy giấy và bột giấy của Lee & Man tại Hậu Giang. Rất có thể dự án nhà máy bột giấy sẽ được đề xuất dừng triển khai trong khi nhà máy sản xuất giấy sẽ được tiếp tục triển khai nếu đáp ứng đủ các điều kiện về môi trường.
Nhiều khả năng dự án nhà máy bột giấy Lee & Man sẽ được đề xuất dừng triển khai |
Về việc có thể sẽ đề xuất dừng dự án nhà máy bột giấy, phía Bộ Công Thương cho biết, khu vực Tây Nam Bộ có địa hình thấp, hệ thống sông ngòi đan xen nên không phù hợp với việc trồng cây nguyên liệu giấy và việc sản xuất bột giấy từ nguyên liệu gỗ sử dụng nhiều hóa chất nên dự án đầu tư Nhà máy bột giấy của Công ty TNHH Lee & Man có nguy cơ cao trong việc gây ô nhiễm môi trường.
Còn đối với dự án Nhà máy sản xuất giấy Lee & Man Việt Nam, mặc dù UBND tỉnh Hậu Giang có thiếu sót là đã cấp giấy chứng nhận đầu tư khi thiết kế cơ sở của dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng Bộ Công Thương cho rằng, nếu sau khi có kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự án đáp ứng được các quy định về môi trường thì đề nghị Chính phủ xem xét cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai, đưa vào hoạt động.
Bộ Công Thương thấy rằng, dự án này đáp ứng nhu cầu thị trường, giải quyết công ăn việc làm cho người dân, tăng thu nhập địa phương và góp phần phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất giấy bao bì từ giấy loại cacton thì việc sử dụng hoá chất là không đáng kể, ô nhiễm môi trường của Nhà máy chủ yếu là từ chất thải rắn (nilon, băng keo, nhựa, xốp, ghim, kẹp…) được loại ra trong quá trình tuyển lựa nguyên liệu giấy.
Trước đó, đánh giá về các dự án này của Lee & Man, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định rằng đây là dự án tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường, nếu không thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thanh, kiểm tra cần kiểm tra quy trình phê duyệt, nội dung đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải nước thải, công nghệ sản xuất và xử lý nước thải đặc biệt là công nghệ xử lý nước thải. Đồng thời, yêu cầu kiểm tra việc chấp hành pháp luật của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam trong thực hiện quy định đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải, áp dụng quy chuẩn Môi trường; việc thiết kế, thẩm định, xây dựng, kế hoạch vận hành thử nghiệm...
Hậu Giang từng phê duyệt dự án không đúng quy định
Bộ Công Thương cho hay, Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp Giấy đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 được phê duyệt đã không phân bổ vùng trồng cây nguyên liệu giấy và xây dựng nhà máy sản xuất giấy và bột giấy tại khu vực Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, với thực tế tỉnh Hậu Giang sau khi tách ra khỏi tỉnh Cần Thơ, có nhu cầu đầu tư sản xuất công nghiệp lớn và cấp thiết để phát triển kinh tế, tăng ngân sách và giải quyết công ăn việc làm trên địa bàn nên đã kêu gọi đầu tư và Tập đoàn Lee&Man Paper đã nộp hồ sơ đầu tư Nhà máy giấy bao bì và Nhà máy bột giấy.
Nguyên nhân khiến Bộ Công Thương (lúc đó là Bộ Công nghiệp) đồng ý về chủ trương xây dựng Nhà máy giấy 420.000 tấn/năm khi được UBND tỉnh Hậu Giang hỏi ý kiến bởi sản phẩm làm ra là giấy bao bì và bao bì cao cấp, mà trong nước tại thời điểm đó mới đáp ứng được 40% nhu cầu. Ngoài ra, nguyên liệu cho sản xuất giấy bao bì của dự án là giấy cacton đã quả sử dụng (80% nhập khẩu) chứ không phải đi từ bột giấy được sản xuất từ gỗ rừng. Tuy nhiên, khi đó Bộ Công nghiệp cũng lưu ý chủ đầu tư phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về nhập khẩu giấy loại và lập báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Còn với dự án Nhà máy bột giấy 330.000 tấn/năm, Bộ Công Thương cho biết, dự án này đã được UBND tỉnh Hậu Giang cấp chứng nhận đầu tư khi không có ý kiến của Bộ chuyên ngành là không đúng theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP. Cụ thể, vào thời điểm cấp phép, Bộ Công Thương đã không nhận được đề nghị của UBND tỉnh Hậu Giang nên không có ý kiến về dự án này trước khi địa phương cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo thẩm quyền được phân cấp.
Cả dự án Nhà máy giấy và bột giấy đều được UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư khi chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt thiết kế cơ sở là không đúng Nghị định 16/2005/NĐ-CP. Cụ thể, Nghị định 16/2005/NĐ-CP quy định, việc thẩm định thiết kế cơ sở với Dự án nhóm A thuộc thẩm quyền của Bộ chuyên ngành (ở đây khi đó là Bộ Công nghiệp). Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ Công nghiệp đã không nhận được hồ sơ của chủ đầu tư đề nghị thẩm định thiết kế cơ sở của 2 dự án này.
Ngoài ra, trước nhiều ý kiến phản đối, lo ngại về việc tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường trong vùng khi Nhà máy đi vào hoạt động ngay khi Dự án mới được cấp phép, Bộ Công nghiệp cũng từng khuyến nghị UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu chủ đầu tư lập ĐTM cho dự án. ĐTM này cũng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.
Ngoài ĐTM của toàn bộ Dự án Nhà máy giấy và Nhà máy bột giấy, chủ đầu tư cũng đã lập ĐTM của Nhà máy nước cấp, bến cảng chuyên dùng, Nhà máy điện 125 MW và đã được UBND tỉnh Hậu Giang thẩm định, phê duyệt vào năm 2008. Cũng phải nói thêm rằng, tuy nhiên, sau nhiều trì hoãn triển khai, tới tháng 12/2014, dự án mới tái khởi động lại và chưa có ĐTM mới trong khi theo quy định thì ĐTM sau hai năm phải được đánh giá lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.