(HNMO) - Chiều 7-3, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp về bảo đảm nguồn cung nhu yếu phẩm và sản phẩm y tế cho người dân. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã xây dựng các kịch bản cung ứng hàng hóa cho người dân Hà Nội.
Theo đó, kịch bản 1 được xây dựng trong bối cảnh dịch sẽ kéo dài đến hết quý I-2020 và kịch bản 2 là dịch vẫn tiếp tục phức tạp đến hết quý II-2020.
Kịch bản 3 là dịch có thể kéo dài. Thậm chí, các địa phương cũng được yêu cầu xây dựng cả kịch bản cách ly trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp.
Theo báo cáo của các hệ thống siêu thị lớn, việc cung ứng hàng hóa được bảo đảm dù có sự tăng đột biến nhu cầu của người dân. Hệ thống siêu thị Big C đã tăng gấp 3 lượng hàng cung ứng cho thị trường, đồng thời, làm việc với các nhà cung ứng liên tục cấp hàng cho hệ thống siêu thị. Hệ thống Coopmart tăng cung 50% lượng hàng hóa ra thị trường.
Theo ông Đông, lượng hàng hóa thiết yếu đưa từ các địa phương về Hà Nội đã được tăng cường gấp 3-4 lần trong ngày 7-3. Bộ Công Thương cũng yêu cầu Sở Công Thương địa phương tăng cường cung cấp thường xuyên thông tin cho người dân, không để tình trạng hoang mang trong dư luận.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Big C Việt Nam cho biết, để đáp ứng nhu cầu của người dân, từ ngày 8-3, hệ thống sẽ mở cửa từ 7h sáng (thay vì 8h sáng) và đóng cửa lúc 22h-23h và phục vụ bán hàng cho đến hết khách. Siêu thị cũng sẽ cam kết không tăng giá hàng hóa trên toàn hệ thống.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Retail, đơn vị sở hữu các thương hiệu Intimex, Hapro, Seika, Fujimart thông tin, trong sáng 7-3, ngay sau khi siêu thị, cửa hàng của đơn vị mở cửa, rất đông khách hàng đã đến mua các hàng hóa thiết yếu như gạo, mì tôm, miến, dầu ăn, rau củ, nước tẩy rửa.
Chỉ trong 3 tiếng sau khi mở cửa, hệ thống đã bán 1,4 tấn gạo, hơn 70.000 gói mỳ, miến các loại, 1.384 gói thức ăn khô, 10 tấn thịt các loại, 2,6 tấn rau củ… Cùng với việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, hệ thống BRG Retail đang triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống bán lẻ của đơn vị.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trước diễn biến của dịch bệnh, Bộ đã lên nhiều kịch bản chuẩn bị cho các tình hình. Tuy nhiên, với một đô thị lớn như Hà Nội, bên cạnh bảo đảm cung ứng hàng hóa trong nhiều tình huống, các nhà cung cấp cũng cần phải truy xuất nguồn gốc, chất lượng hàng hóa phục vụ người dân.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu các đơn vị ngành Công Thương cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ cho người dân, không để tình trạng hoang mang trong dư luận. Cùng với đó, Vụ Thị trường trong nước phải tính toán nhiều kịch bản cung ứng hàng hóa trong các tình huống bất thường khác. Trong đó, có cả kịch bản cho tình huống diễn biến dịch xuất hiện không chỉ ở một, hai hay ba địa phương và cần phải cách ly. Đặc biệt, cần có biện pháp, không để tình trạng đầu cơ, găm hàng, tích trữ hàng hóa, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.