Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ Công Thương cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, có tầm nhìn dài hạn

Thanh Hiền| 27/12/2019 15:06

(HNMO) - Ngày 27-12, Ủy viên Bộ Chính trị,

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành Công Thương. Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái và đại diện các ngành chức năng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sau 25 năm kể từ khi gia nhập ASEAN, hơn 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 thế giới. Xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh, với tốc độ tăng trưởng cao, trên 15%, trong giai đoạn 2011-2019 và cán mốc kim ngạch 500 tỷ USD vào giữa tháng 12-2019. Kết quả này đã đưa Việt Nam tiếp tục duy trì thành tích xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp đạt gần 10 tỷ USD.

Tính đến hết năm 2019, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD). Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh tổng cầu kinh tế giảm, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới giảm.

Đối với thị trường trong nước, việc lưu thông hàng hóa được đẩy mạnh và thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu đối với hàng hóa thiết yếu cho người dân ở mọi miền đất nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm đạt 4.940,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2018.

Đóng góp vào những kết quả đó, ngành Công Thương đã nỗ lực cải cách, đổi mới phương thức quản lý, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp, đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến gắn với đơn giản hóa thủ tục hành chính...

Năm 2020, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng từ 7-8% so với năm 2019; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 9-10%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 11,8-12%; thương mại điện tử tăng 25%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 70%.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu ra 5 vấn đề mà ngành Công Thương cần lưu ý.

Thứ nhất, Bộ Công Thương cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, có tầm nhìn dài hạn, nhất quán, hướng tới mục tiêu tăng năng suất, hiệu quả sức cạnh tranh, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội theo nguyên tắc và cơ chế thị trường, bám sát định hướng về xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, các ngành trong 10 năm tới. 

Thứ hai, nâng cao năng suất của ngành, giảm phụ thuộc vào tài nguyên, tăng chế biến, sáng tạo, lấy nền tảng công nghệ làm động lực. 

Thứ ba, coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, trọng tâm đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm hiệu quả cho doanh nghiệp. Phát triển toàn diện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gắn với thúc đẩy kinh tế tư nhân, là động lực quan trọng cho phát triển đất nước...

Thứ tư, tái cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp, tăng năng suất lao động, áp dụng khoa học công nghệ, chú trọng công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện, cụm linh kiện, tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả giải pháp thúc đẩy xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu.

Thứ năm, với thị trường bán lẻ, Thủ tướng yêu cầu không để mất thị trường nội địa, vì vậy cần phát huy vai trò của ngành hàng, hiệp hội, chống buôn lậu và gian lận thương mại, dự báo cân đối cung cầu, phát triển thị trường mới và xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt Nam; giảm chi phí logistics thông qua việc đồng bộ hơn giữa công thương, giao thông về kho hàng, vận tải. Đồng thời, tạo thuận lợi hơn nữa cho xuất nhập khẩu, thực hiện theo tinh thần hậu kiểm, chống tham nhũng trong xuất nhập khẩu...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ Công Thương cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, có tầm nhìn dài hạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.