Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa

Theo Dangcongsan.vn/TTXVN| 30/11/2012 20:22

Thực hiện chương trình công tác năm 2012, sáng 30/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho ý kiến về Đề án phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc làm việc. Cùng tham dự có các đồng chí trong Bộ Chính trị; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN


Các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc đã tập trung làm rõ những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh của Khánh Hòa thời gian qua; đi sâu phân tích những tiềm năng, thế mạnh, gợi mở hướng phát triển của Khánh Hòa trong thời gian tới.

Bộ Chính trị ghi nhận và biểu dương những thành tựu quan trọng của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Khánh Hòa sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa, góp phần tích cực vào thành tựu chung của cả nước. Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Khánh Hòa đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh... trở thành động lực phát triển của khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Hiện nay, Khánh Hòa có quy mô GDP xếp thứ 4, GDP bình quân đầu người xếp thứ 6, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách xếp thứ 5 cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bộ Chính trị nhấn mạnh, Khánh Hòa có nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tài nguyên khoáng sản... thuận lợi cho phát triển kinh tế toàn diện, đa ngành, đặc biệt là kinh tế biển. Nhân dân Khánh Hòa có truyền thống cách mạng, cần cù, năng động, sáng tạo. Đây là tiền đề quan trọng để Khánh Hòa tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Bộ Chính trị cơ bản nhất trí với các mục tiêu, định hướng phát triển mà tỉnh đã đề ra, phấn đấu xây dựng Khánh Hòa trở thành đô trị trực thuộc Trung ương trong tương lai; trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch, khoa học và công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và là địa bàn trọng điểm về quốc phòng – an ninh của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và của cả nước.

Để đạt mục tiêu đó, Khánh Hòa cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển toàn diện, theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tập trung phát triển mạnh kinh tế biển, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp – thủy sản chất lượng cao... Bên cạnh đó, Khánh Hòa cần chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển; quan tâm giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo; bảo vệ môi trường sinh thái xanh - sạch - đẹp; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng...

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh tỉnh Khánh Hòa đã chuẩn bị Đề án một công phu, nghiêm túc, cầu thị, theo một quy trình chặt chẽ, với mong muốn đưa Khánh Hòa phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới .

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Khánh Hòa cần tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu và tìm ra những hướng đi phù hợp với những chủ trương chung của cả nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương. Khánh Hòa cần nhận rõ những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tập trung phát triển du lịch, dịch vụ, kinh tế biển; chú ý phát triển bền vững, không chạy theo phát triển nóng, kết hợp giữa phát triển theo chiều rộng với phát triển theo chiều sâu, kết hợp kinh tế với xã hội, kinh tế với quốc phòng - an ninh, đối ngoại và đặt mình trong vị thế liên quan với các tỉnh xung quanh, trong mối liên kết vùng. Bên cạnh đó, Khánh Hòa có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ với các tỉnh trong khu vực duyên hải Nam Trung bộ, gắn kết với Đà Nẵng, Tây Nguyên, TP.Hồ Chí Minh.

Về phương hướng phát triển thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Khánh Hòa đã mạnh dạn, chủ động đề xuất, xây dựng Đề án phát triển toàn diện của tỉnh, tuy nhiên, cần chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi cao. Tổng Bí thư lưu ý, Khánh Hòa cần có tầm nhìn xa hơn, chuẩn bị, hoàn thiện đề án xây dựng và phát triển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung của vùng và cả nước, phù hợp với Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh, cũng như các quy hoạch mà Chính phủ đã phê duyệt.

Tại cuộc làm việc, Bộ Chính trị cũng đã cho ý kiến về một số vấn đề cụ thể theo đề xuất của tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương xây dựng, phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng cần có lộ trình thích hợp, khả thi, chặt chẽ, trên cơ sở thực lực của tỉnh và đáp ứng các tiêu chí, quy định chung về thành phố trực thuộc Trung ương. Về việc tiến tới xây dựng đặc khu hành chính kinh tế bắc Vân Phong, Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương, nhưng giao Ban cán sự Đảng Chính phủ, các cơ quan hữu quan rà soát lại tổng thể, làm rõ thế nào là đặc khu hành chính kinh tế, tiêu chí, nội hàm của nó là gì; phạm vi, quy mô đến đâu; phát triển cái gì, quản lý thế nào... Xung quanh việc khai thác, sử dụng cảng Cam Ranh, cần kết hợp quân sự với dân sự, kinh tế với quốc phòng. Đồng thời, Khánh Hòa cần quan tâm phát triển huyện đảo Trường Sa, phát huy mạnh tiềm năng kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương việc tổ chức lại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thành một trường đại học có quy mô đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng phải có đề án cụ thể, tuân thủ quy hoạch chung và bảo đảm chất lượng; cho ý kiến về các cơ chế, chính sách tài chính, một số công trình, mục tiêu, dự án cụ thể và việc chuẩn bị tổ chức Đại hội thể thao bãi biển châu Á vào năm 2016 tại Khánh Hòa...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.