Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bịt “lỗ rò” hành lang pháp lý

Hà Hiền| 04/02/2015 06:18

(HNM) - Hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường đã và đang có diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Mới đây, tại hội nghị đánh giá công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động karaoke, vũ trường, nhiều nhà quản lý văn hóa kiến nghị cơ quan chức năng nên thắt chặt quản lý loại hình kinh doanh

Vụ cháy quán karaoke trên đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) cho thấy công tác phòng cháy còn nhiều sơ hở.



Kiểm tra là ra vi phạm

Theo đánh giá của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL), mối lợi từ dịch vụ karaoke, vũ trường đối với xã hội là không thể phủ nhận, nhưng, đi liền với điều đó là không ít hạn chế. Kiểm tra thực tế cho thấy, rất nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh karaoke, vũ trường mà không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ; phòng hát không đủ tiêu chuẩn về diện tích, không bảo đảm điều kiện về ánh sáng, tiếng ồn…

"Đa số cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke được thiết kế trên cơ sở nhà ở của dân, người ta biến văn phòng thành địa điểm vui chơi, giải trí nên thường không bảo đảm điều kiện kinh doanh tối thiểu, chỉ đến khi việc cháy nổ, hỏa hoạn xảy ra, gây thiệt hại về tính mạng con người và tài sản thì tất cả mới… giật mình. Vụ cháy ở quán karaoke Zone 9, số 9A Trần Thánh Tông (Hoàn Kiếm - Hà Nội) xảy ra vào ngày 19-11-2013 làm 6 người chết, dư luận chưa hết bàng hoàng thì đến ngày 8-9-2014 lại xảy ra vụ ngạt khí trong cơ sở karaoke ở xã Quảng Chính (huyện Hải Hà - Quảng Ninh) làm 10 người tử vong. Rồi vụ cháy quán karaoke Grand ở số 300 Xã Đàn (Đống Đa - Hà Nội), ở Nonstop thuộc phường Đông Kinh (TP Lạng Sơn)… Vụ nào cũng đáng sợ", ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nói.

Trong quá trình hoạt động, một số cơ sở karaoke sử dụng băng đĩa hình chưa được kiểm định hoặc có nội dung xấu, mang tính kích động bạo lực, ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống của giới trẻ. Một số vũ trường hoạt động tương tự như mô hình quán bar và ngược lại, trở thành nơi bán ma túy, sử dụng rượu lậu, môi giới mại dâm… gây mất ổn định về an ninh trật tự. Có thể kể đến sự vụ xảy ra vào ngày 31-5-2014, các lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh phát hiện và thu giữ 1 bịch chất màu trắng nghi là ma túy đá và thuốc lắc trong người 5 đối tượng tại quán bar số 35, đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3… Tại Hải Phòng, cơ sở karaoke Ánh Dương, vũ trường MOS trên địa bàn quận Ngô Quyền cũng từng bị phát hiện tổ chức sử dụng ma túy…

Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2014, các cơ quan chức năng từ TƯ đến địa phương đã tiến hành kiểm tra 5.209 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, qua đó phát hiện và xử lý 4.624 lượt cơ sở vi phạm (gần 89%).

Hành lang pháp lý chưa chặt chẽ?

Ngoài việc đội ngũ quản lý văn hóa ở cơ sở còn mỏng, nhiều chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa giữ quan điểm tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, nguyên nhân khiến hoạt động karaoke, vũ trường có diễn biến ngày một phức tạp là do những "lỗ hổng" trong các quy định hiện hành.

Ông Vương Duy Bảo phân tích: Theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 6-11-2009, địa điểm hoạt động karaoke phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, cơ quan hành chính nhà nước… từ 200m trở lên. Tuy nhiên, quy định này chỉ có thể áp dụng với những cơ sở đăng ký kinh doanh từ cuối năm 2009 trở lại đây và có sau các cơ quan, đơn vị kể trên. Với những cơ sở đã hoạt động nhiều năm trước đó và có trước khi cơ sở trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính… thì các cơ quan chức năng chưa tìm ra phương án hợp lý, hợp tình. Việc cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường, theo Nghị định 158/2013/ NĐ - CP ngày 12-11-2013 là chỉ cấp duy nhất một lần, không cấp đổi, không quy định thời hạn gia hạn giấy phép, gây không ít khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác quản lý cấp phép, thu phí, kiểm tra hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường tại các địa phương. Hơn thế, Thông tư 156 /2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường chỉ quy định chung chung về lệ phí cấp phép ban đầu, không quy định lệ phí cấp giấy phép tăng thêm cho phòng hát karaoke dù thực tế cho thấy rất nhiều cơ sở có nhu cầu tăng thêm phòng hát.

Theo ý kiến của Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Quảng Bình Nguyễn Mậu Nam, việc cấp phép cho các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường nên xác định thời hạn 2 năm như trước đây để các cơ quan chức năng có căn cứ xử lý vi phạm. Đồng thời, nên bổ sung hình thức tịch thu phương tiện vi phạm để chủ các cơ sở đỡ "nhờn" luật. Quy định cơ sở karaoke phải cách cơ quan, đơn vị, trường học theo đường giao thông… nên được áp dụng linh hoạt, căn cứ vào tình hình thực tế, không nên quá cứng nhắc. Trong quá trình thẩm định cấp các giấy phép đủ điều kiện kinh doanh, lý lịch của chủ cơ sở và nhân thân của họ cần được quan tâm bởi trên thực tế có rất nhiều cơ sở từng bị tước giấy phép kinh doanh, sau đó đăng ký xin cấp lại giấy phép trên cơ sở chủ mới.

Từ kinh nghiệm quản lý ở địa phương, bà Vũ Thùy Anh, Trưởng phòng quản lý văn hóa Sở VH, TT&DL Hà Nội mong muốn các cơ quan chức năng có sự phối hợp chặt chẽ, cùng thẩm định một cơ sở karaoke, vũ trường đủ điều kiện hoạt động hay không ngay từ khâu cấp phép nhằm hạn chế những tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình hoạt động…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bịt “lỗ rò” hành lang pháp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.