(HNM) - Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 56/TB-VP kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn tại cuộc họp đánh giá thực trạng và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố. Hiện các cơ quan chức năng, các quận, huyện, thị xã của thành phố đã, đang có những giải pháp khắc phục để dịch vụ karaoke hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.
Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội:
Đưa ra giải pháp khắc phục cho từng nhóm vi phạm
Qua đánh giá các điều kiện phòng cháy, chữa cháy đối với 100% cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn Hà Nội, lực lượng chức năng phát hiện một số cơ sở còn vi phạm liên quan như giao thông, nguồn nước, bậc chịu lửa, khoảng cách phòng cháy, chữa cháy, lối thoát nạn... Căn cứ các nội dung tồn tại, vi phạm, Công an thành phố Hà Nội đã rà soát, phân nhóm và đưa ra giải pháp khắc phục cụ thể cho từng nhóm. Trên cơ sở Thông báo số 56/TB-VP, Công an thành phố đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND thành phố kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Công an những giải pháp, cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động kinh doanh karaoke. Trong đó, đặc biệt quan tâm các cơ sở kinh doanh karaoke đã đưa vào hoạt động từ trước khi QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực, đang trong diện chấp hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, thông báo yêu cầu dừng hoạt động.
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng:
Tăng cường thông tin, tuyên truyền quy định pháp luật
Căn cứ các quy định pháp luật và trên cơ sở kết quả kiểm tra của Công an quận, UBND quận Thanh Xuân tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn cơ sở kinh doanh karaoke khắc phục tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự. Quận cũng yêu cầu UBND các phường trên địa bàn tăng cường thông tin, tuyên truyền quy định của pháp luật, các văn bản có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke tới tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ này và nhân dân biết thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng chức năng và UBND các phường xử lý nghiêm vi phạm; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với cơ sở đang trong diện chấp hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động và thông báo tạm dừng hoạt động trên địa bàn.
Bà Tạ Thị Hà, chủ quán karaoke ở phường Mộ Lao, quận Hà Đông:
Hy vọng dịch vụ karaoke sớm hoạt động trở lại
Hiện nhiều cơ sở kinh doanh karaoke bị đình chỉ, dừng hoạt động khiến các chủ quán kiệt quệ kinh tế, hàng nghìn lao động phổ thông bị ảnh hưởng. Gia đình tôi đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng vào cơ sở kinh doanh karaoke với quy mô 12 phòng hát. Thời gian qua, mỗi tháng tôi phải bỏ ra 500 triệu đồng để duy trì dù quán phải tạm dừng hoạt động, thiệt hại về kinh tế là rất lớn. Từ chỉ đạo cụ thể, quyết liệt của UBND thành phố Hà Nội trong Thông báo số 56/TB-VP và những giải pháp của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, hy vọng dịch vụ karaoke sẽ hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.
Ông Nguyễn Quang Huy, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm:
Nghiêm túc khắc phục lỗi vi phạm
Thực tế cho thấy, nhiều chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke vẫn có tâm lý đối phó với lực lượng chức năng, chưa thực sự nghiêm túc trong thực hiện các quy định pháp luật khi tham gia ngành nghề kinh doanh có điều kiện này. Để hoạt động trở lại, các chủ cơ sở kinh doanh phải nghiêm túc khắc phục các lỗi vi phạm, các nội dung mà cơ quan chức năng đề xuất trong các hạng mục cần phải có của dịch vụ karaoke, được quy định chi tiết tại Nghị định số 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý cần thường xuyên kiểm tra, đẩy mạnh tuyên truyền đến từng chủ cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ này để nâng cao ý thức trách nhiệm trong tuân thủ pháp luật và ý thức vì cộng đồng.
Bà Nguyễn Thu Thủy, tòa N03-T2 Khu ngoại giao đoàn, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm:
Hướng dẫn chủ cơ sở kinh doanh lành mạnh, đúng luật
Hiện nay, số cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn thành phố Hà Nội là khá lớn, thu hút số lượng lao động không nhỏ; chưa kể, chi phí đầu tư cho mỗi cơ sở hoạt động từ vài trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng, tùy quy mô. Do đó, việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các chủ cơ sở duy trì hoạt động theo đúng các quy định pháp luật là rất cần thiết. Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng cần bố trí nhân lực, hướng dẫn các chủ cơ sở dịch vụ karaoke tổ chức hoạt động kinh doanh lành mạnh, bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật. Với các trường hợp đã bị cơ quan chức năng quyết định đình chỉ, tạm dừng hoạt động nhưng vẫn lén lút mở cửa đón khách thì cần kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí xem xét rút giấy phép hoạt động vĩnh viễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.