(HNM) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 934/UBND-KSTTHC về việc tiếp tục thực hiện các thủ tục hành chính cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn thành phố. Đây được xem là giải pháp nhằm gỡ khó, giúp cho các quán karaoke hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất, đồng thời tăng cường quản lý đối với loại hình kinh doanh dịch vụ này.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Cầu Giấy Nguyễn Minh Cường:
Tạo điều kiện cấp phép, điều chỉnh giấy phép
Thực hiện Văn bản số 934/UBND-KSTTHC của UBND thành phố và hướng dẫn của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Phòng Văn hóa và Thông tin quận Cầu Giấy sẽ tham mưu cho lãnh đạo quận cấp phép, điều chỉnh giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke cho các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ đáp ứng đầy đủ quy định về phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự... Theo quy định, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke nếu muốn hoạt động trở lại, việc đầu tiên là phải khắc phục đầy đủ các lỗi vi phạm theo đề xuất của cơ quan chức năng và theo quy định tại Nghị định số 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Trước đó, cuối năm 2022, Bộ Công an đã quy định chi tiết phụ lục trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, như: Hệ thống họng nước chữa cháy bên trong nhà; hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động; bình chữa cháy, phương tiện cứu nạn…
Chị Nguyễn Thị Hồng Thủy, cổ đông cơ sở kinh doanh Karaoke Melody, số 98 phố Trung Hòa (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy):
Mong cơ quan chức năng sớm đưa ra giải pháp cụ thể
Cơ sở kinh doanh của tôi có tổng số 6 phòng hát, tổng vốn đầu tư khoảng trên 7 tỷ đồng nhưng đã phải đóng cửa nhiều tháng nay khiến kinh tế gia đình kiệt quệ. Hiện, tôi và nhiều chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đều rất tích cực khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy theo yêu cầu của cơ quan chức năng; tuy nhiên, việc hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ điều kiện theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình của Bộ Xây dựng (áp dụng chính thức từ tháng 1-2023) là khó khả thi.
Để tháo gỡ khó khăn, ngày 7-3-2023 UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 587/UBND-NC báo cáo và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các cơ sở kinh doanh karaoke đã hoạt động trước khi QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực. Trong đó, thành phố đã nêu chi tiết, cụ thể 6 vấn đề bất cập của QCVN 06:2022/BXD so với tình hình thực tế và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Chúng tôi rất mong Bộ Xây dựng, Bộ Công an và các cơ quan chức năng sớm đưa ra giải pháp cụ thể, tạo điều kiện cho dịch vụ kinh doanh karaoke tại Hà Nội sớm được mở cửa trở lại.
Chị Lê Ngọc Thảo, số nhà 51 ngõ Láng Trung (phường Láng Thượng, quận Đống Đa):
Đưa hoạt động kinh doanh đi đúng hướng
Hàng loạt các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến quán karaoke trong những năm gần đây cho thấy, công tác quản lý về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn đối với loại hình dịch vụ này còn nhiều vấn đề đặt ra. Minh chứng là sau đợt tổng kiểm tra, rà soát do lực lượng chức năng thực hiện vào cuối năm 2022, đã có nhiều cơ sở kinh doanh karaoke bị xử phạt và thành phố Hà Nội đã quyết định tạm dừng đối với những cơ sở vi phạm, chưa đủ điều kiện liên quan theo quy định. Việc tạm dừng này đồng nghĩa nhiều chủ cơ sở kinh doanh lao đao, thậm chí buộc phải tuyên bố phá sản.
Karaoke là loại hình dịch vụ kinh doanh có điều kiện, nhưng không thể cứ thấy khó quản là cấm, là dừng. Quan trọng là phải tìm cách để đưa hoạt động kinh doanh này đi đúng hướng, bảo đảm đúng quy định pháp luật nhưng trên cơ sở tạo điều kiện tối đa để họ phát huy thế mạnh; qua đó, vừa đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của xã hội, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Do đó, rất mong thành phố và các cơ quan chức năng sớm tìm hướng gỡ khó cho các chủ cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ karaoke.
Chị Trần Thu Hiền, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh:
Quan tâm đến nguyện vọng của chủ cơ sở kinh doanh
Thời gian qua, tôi rất quan tâm đến thông tin trên báo, đài liên quan đến hoạt động dịch vụ karaoke do có người nhà tham gia kinh doanh dịch vụ này. Theo tôi, việc thành phố Hà Nội ban hành văn bản tiếp tục cấp phép, điều chỉnh Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke cho thấy lãnh đạo thành phố đã rất quan tâm đến nguyện vọng, tình hình khó khăn của các chủ cơ sở kinh doanh karaoke.
Loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke đã ra đời từ hàng chục năm nay và các cơ sở kinh doanh đã được cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện, hoạt động ổn định trong thời gian tương đối dài. Về nguyên tắc, công trình xây dựng, hoạt động từ thời điểm nào thì phải áp dụng tiêu chuẩn của thời điểm đó. Hiện nay, cơ quan chức năng ban hành quy chuẩn mới rồi “áp” ngay vào các cơ sở kinh doanh đã được đầu tư xây dựng từ nhiều năm trước là chưa hợp lý và gây khó cho chủ cơ sở kinh doanh. Nếu việc khắc phục phòng cháy, chữa cháy theo yêu cầu, kiến nghị của cơ quan chức năng không bị coi là “sửa chữa và cải tạo” thì các chủ cơ sở kinh doanh mới thực hiện được. Nếu chỉ khắc phục một hạng mục nhỏ về phòng cháy, chữa cháy nhưng buộc các chủ cơ sở kinh doanh karaoke thực hiện theo QCVN 06:2022/BXD, phải đập đi xây lại, sửa chữa cải tạo toàn bộ công trình thì rất khó thực hiện và thực tế là không khả thi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.