(HNM) - Ở Hà Nội, nếu có một nơi mang những biến chuyển rõ nhất trong ngày thì có lẽ không đâu bằng hồ Tây. Từ sáng sớm đến đêm khuya là một sự biến thiên đáng kể của cảnh vật, sự sống và thiên nhiên nơi đây lúc nào cũng cực nhạy cảm với những tác động của con người.
Sáng sớm ở hồ Tây thường có sương mù, nhất là vào mùa đông, mùa xuân. Sương mù ở hồ Tây dày đặc, vấn vít, nhìn kỹ lắm mới thấy một con thuyền mờ mờ đang đi trong sương. Ấy là vào ngày trời mù ít, những hôm âm u, ẩm ướt, mặt hồ như biển sữa, cách một quãng đã không phân biệt nổi đâu là bến bờ. Chính cái lớp sương mù mờ đặc ấy đã góp phần làm nên một vụ án nổi tiếng xưa kia, khi ấy hồ Tây có tên là Dâm Đàm. Số là khi vua Lý Nhân Tông đi chơi thuyền xem đánh cá trên hồ, vua bỗng thấy sương khói đặc quánh lại và trong màn sương ấy, có thể do hoa mắt, hoặc ảo ảnh, nhà vua đã thấy Thái sư Lê Văn Thịnh biến thành con hổ định sát hại mình. Vị thủ khoa của khoa thi Nho học đầu tiên trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, người có công lớn trong việc đòi lại cương vực lãnh thổ trong bang giao với nhà Tống đã bị bắt ngay tức khắc, may mắn thoát tội chết nhưng bị truất hết chức vụ và bị đày đi nơi xa. Cũng chính vì mối oan khuất này mà sau người thợ dân gian đã khắc họa nên một linh vật cực kỳ thú trong đền thờ Lê Văn Thịnh ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh: một con rồng đá (xà thần) không từng giống bất cứ con rồng nào khác; đầu không có bờm râu và tự cắn vào thân mình trong một vẻ khổ đau tột bậc; và linh vật ấy đã trở thành bảo vật quốc gia vì tính độc đáo và niên đại rất sớm của mình.
Nhưng hồ Tây sáng sớm cũng có lúc trong sáng thanh bình đặc trưng của một hồ nước lớn nhất Hà Nội. Những người tập thể dục, đi xe đạp quanh hồ vào buổi sáng rất đông. Ai cũng muốn hít thở một bầu không khí mát mẻ, trong lành ở nơi không gian rộng mở thoáng đãng. Buổi sáng, nước hồ Tây xao động rất nhẹ, mặt hồ gần như phẳng lặng vì yên gió. Trước đây, mỗi sáng sớm có thể thấy vài người đàn ông, đàn bà lội bì bõm bắt ốc, bắt trai ở những góc hồ nhưng từ khi nguồn thủy sinh bị thay đổi, trai ốc của hồ gần như cạn kiệt, lại cộng thêm những lo lắng về nguồn nước ô nhiễm, bóng dáng những người lao động lam lũ, cần cù ấy gần như không còn nữa…
Nếu hồ Tây buổi sáng là thời gian của bận rộn thì buổi trưa là thời gian của nghỉ ngơi. Giữa một thành phố sôi động bao giờ cũng nườm nượp người đi đường thì buổi trưa hồ Tây có những đoạn đường vắng tanh không một bóng người. Những con đường im ắng, phẳng lặng và sạch sẽ. Chỉ có tán cây khẽ xao động và những loài hoa mọc bên hồ rực rỡ khoe sắc. Hoa phượng đỏ lửa, hoa điệp vàng kiêu hãnh, từng búp sen phớt hồng vươn lên và những chùm hoa bọ cạp nước vàng óng ả rủ xuống sát mặt hồ.
Buổi trưa, hồ Tây bước vào thế giới của khoảng lặng. Kể cả những nơi luôn đông đúc và nhộn nhịp như phủ Tây Hồ cũng rất ít người ở lại. Cây si cổ thụ mấy trăm năm tuổi, cành rễ lan tỏa ra một khoảng đất rộng lớn khắp sân phủ, có chỗ còn cắm cả xuống mặt nước cũng lặng lẽ tận hưởng sự yên tĩnh gần như tuyệt đối của mặt hồ khi không bị ai quấy rầy.
Vào buổi chiều thì không khí của hồ Tây nhộn nhịp hẳn lên. Từ lâu rồi người ta đã có cái thú tắm hồ, nhất là vào những ngày nóng bức. Đoạn đường Trích Sài, Nhật Chiêu các buổi chiều luôn có đông trẻ con, người lớn ra bơi lội. Từ Hà Nội ra biển khá xa mà hồ Tây thì rộng lớn, thì cũng coi như là được vùng vẫy ở khoảng mênh mông mà hoài nhớ biển.
Vào những chiều mưa giông thì hồ Tây cũng không khác mặt biển là mấy. Gió ào ạt trên một khoảng không gian rộng lớn không bị ngăn cản, nước hồ mạn Trích Sài chồm cao một vài gang tay như sóng biển và ta có thể nghe rõ tiếng sóng vỗ. Cũng ì oạp, dạt dào như những nỗi niềm gửi gắm đâu đây...
Những hôm thời tiết yên bình thì chiều muộn trên hồ Tây có một màu sắc rất lạ. Khi vầng mặt trời đỏ rực còn đang lưỡng lự chuẩn bị rút vào màn đêm thì mặt hồ có một màu đỏ bạc pha ánh sáng, lấp loáng mờ ảo. Mặt hồ như trong không gian huyền thoại. Đã lâu rồi chim sâm cầm không còn bay về nhưng thỉnh thoảng thấy một cánh chim nào đó chấp chới bay qua mặt hồ cũng đủ gợi niềm thương nhớ mênh mang. Chiều hồ Tây bây giờ thì hối hả, bận rộn với những người đi làm về, những con đường ríu rít xe cộ. Ở những nhà hàng quay ra hồ, vài khách du lịch nước ngoài đang ngồi thư thả uống bia chai Hà Nội và hóng gió mát…
Buổi tối và đêm của hồ Tây là không gian dành cho tình yêu. Đường Thanh Niên và những quãng thoáng mát phía sau Trường Chu Văn An có rất nhiều nam thanh nữ tú đến chơi hồ. Những người trẻ tuổi đó, hoặc là ngồi luôn trên yên xe máy hoặc là đứng dựa vào lan can, vừa ngắm màu đen huyền bí của đêm vừa thủ thỉ tâm tình.
Đêm hồ Tây bao giờ cũng có khoảng lãng mạn dành cho lứa đôi, những khách sạn cao tầng hắt sáng xuống để mặt hồ không quá tối tăm. Những nhà hàng, quán cà phê lung linh ánh đèn. Từ ngày hồ Tây không còn phục vụ hàng ăn trên các nhà hàng nổi, đêm trên hồ yên tĩnh, dài và rộng hơn. Hồ dần trở lại vẻ nguyên sơ, bình dị của thuở ban đầu và những đôi lứa yêu nhau vừa tận hưởng mùa hạnh phúc vừa yên tâm hít thở khí trời.
Hồ Tây bao giờ cũng vọng lên trong tâm tưởng người Hà Nội như một nơi lưu giữ những kỷ niệm. Tôi đã từng đi xe cả một ngày quanh hồ chỉ để ngắm nhìn, quan sát. Những đền chùa cổ kính uy nghiêm, những hàng cây xanh tỏa bóng mát và mặt nước hồ lúc thì yên bình lúc thì cồn cào sóng vỗ. Nếu không còn hồ Tây, hoặc hồ Tây bị ô nhiễm thì có thể Hà Nội sẽ rất khác. Một khoảng lặng yên bình, thơ mộng và đằm sâu văn hóa kinh kỳ. Hồ Tây là thiên nhiên hoa cỏ, là cá tôm chim trời, là cuộc sống muôn màu trong lòng một thành phố có ngàn năm tuổi… Và hồ Tây là cả những bí ẩn rất đáng để trân trọng và ghi nhớ vì toàn bộ các di tích lịch sử văn hóa ở ven bờ đều chọn hướng cửa chính trông ra lòng hồ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.