(HNM) - Sau thời gian triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, công tác phòng, chống dịch của nước ta đã có kết quả tích cực. Số ca mắc mới ở trong nước giảm liên tục kể từ ngày 15-3-2022 đến nay. Trong ngày 14-5, cả nước chỉ ghi nhận gần 1.900 ca mắc Covid-19; trong đó có 17 tỉnh, thành phố không có ca mắc mới. Đặc biệt, số ca chuyển bệnh nặng, số ca tử vong liên quan đến Covid-19 giảm thấp, tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cao.
Trên phạm vi toàn cầu, theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, hiện dịch Covid-19 bắt đầu có xu hướng giảm cả số ca mắc và tử vong; vắc xin phòng bệnh cơ bản có hiệu quả với các biến thể của vi rút SARS-CoV-2. Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ từng bước nới lỏng các biện pháp chống dịch, trong đó có yêu cầu về xét nghiệm Covid-19 với người nhập cảnh. Từ 0h ngày 15-5-2022, Việt Nam cũng đã tạm dừng yêu cầu phải xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh vào nước ta.
Trước những chuyển biến tích cực và căn bản của công tác phòng, chống dịch Covid-19 cả ở trong nước và thế giới, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 2881/VPCP-KGVX ngày 9-5-2022 gửi Bộ Y tế về việc thông tin, báo chí và dư luận liên quan. Cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Văn phòng Chính phủ chuyển Báo cáo số 386/2022/TTĐT ngày 6-5-2022 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đến Bộ Y tế để nghiên cứu xử lý, trong đó lưu ý xem xét điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch “5K” (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) cho phù hợp với tình hình thực tế và kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống dịch Covid-19.
Xét bối cảnh hiện nay, rõ ràng việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch là phù hợp khi cuộc sống đã, đang trở lại trạng thái “bình thường mới”. Căn cứ để nghiên cứu, đánh giá nhằm đưa ra giải pháp phù hợp là dựa trên kết quả tích cực phòng, chống dịch hiện nay; đời sống kinh tế - xã hội đang trở lại trạng thái bình thường như trước đại dịch Covid-19. Trong đó, điểm nổi bật là học sinh đã học trực tiếp; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cơ bản đã hoạt động trở lại. Đặc biệt, các hoạt động du lịch, dịch vụ, thể thao, văn hóa - nghệ thuật… diễn ra sôi động, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa đạt hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội.
Trong dài hạn, dù điều chỉnh thế nào thì các cấp, ngành, địa phương và mỗi người dân vẫn không được phép chủ quan, lơ là và phải tiếp tục tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đây cũng là cơ sở quan trọng để tạo “không gian an toàn” thúc đẩy các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần mà các nghị quyết của Chính phủ đã đề ra.
Ngành Y tế cần tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch bệnh cả trong nước và trên thế giới, kịp thời hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Đặc biệt, cần thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời xử lý những vấn đề phòng, chống dịch phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Ở góc độ địa phương, cần tiếp tục đánh giá toàn diện tình hình dịch bệnh để kiến nghị các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp trên tinh thần nhất quán không chủ quan, lơ là, nhưng cũng không làm cản trở các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Giữ vững thành quả phòng, chống dịch chính là cách để chúng ta bước vào cuộc sống “bình thường mới” an toàn, hiệu quả và bền vững!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.