(HNM) - Tròn một năm trước, đúng ngày này (19-3-2011), dưới danh nghĩa thực thi Nghị quyết 1793 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về thiết lập vùng cấm bay trên toàn lãnh thổ Lybia, liên quân do Mỹ, Anh, Pháp đứng đầu đã tiến hành chiến dịch quân sự
Bảy tháng sau cuộc không kích đầu tiên, chính quyền Tripoli đã sụp đổ với cái chết của Tổng thống Muammar Gaddafi (ngày 20-10-2011). Sự kiện bi thảm này đã đặt dấu chấm hết cho chế độ tồn tại suốt 42 năm ở đất nước Bắc Phi. Cuộc chuyển giao quyền lực đẫm máu với hàng nghìn người thiệt mạng đã khép lại. Một Lybia tan hoang, kiệt quệ sau nhiều tháng chìm trong nội chiến; nhưng, như thế chưa phải mọi việc đã chấm dứt. Đúng như dự báo, một Lybia thời hậu Gaddafi đã lâm vào rối ren.
Một năm sau cuộc chiến, dù đã lật đổ chế độ Gaddafi do sự hậu thuẫn mạnh mẽ của phương Tây, nhưng đội quân của phe nổi dậy không phải là một lực lượng thống nhất mà thực chất là một mớ hỗn tạp gồm khoảng 300 nhóm vũ trang bán quân sự tự phát thuộc đủ thành phần khác nhau. Những nhóm này, mang danh nghĩa bảo vệ dân thường, nhưng chỉ thực thi cái gọi là "tranh giành quyền lực" trong một Lybia "chân không quyền lực" do cái chết của Đại tá Gaddafi để lại. Đội quân hỗn tạp này thậm chí không phục tùng mệnh lệnh Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) mà chỉ tuân theo mệnh lệnh của người chỉ huy trực tiếp tại các thành phố, địa phương nơi đóng quân. Bằng chứng là hồi đầu tháng 3 này, các thủ lĩnh bộ lạc và một phe cánh chính trị khu vực giàu dầu lửa Cyrenaica ở miền Đông thông báo sẽ thành lập khu tự trị và kêu gọi đưa Lybia trở lại chế độ liên bang. Ngay lập tức, Chủ tịch NTC Mustafa Abdel Jalil phải tuyên bố, sẽ bảo vệ nền thống nhất quốc gia bằng "vũ lực" nếu thấy cần thiết. Cuộc tranh giành quyền lực, cát cứ để sở hữu tài nguyên thiên nhiên giữa các phe nhóm đã và đang xé vụn quốc gia Bắc Phi này thành nhiều mảnh, tạo mầm mống cho một cuộc nội chiến kéo dài.
Rõ ràng, chính quyền lâm thời Lybia hiện nay do NTC lãnh đạo đã không đủ sức thuyết phục, không nhận được sự đồng lòng của người dân nơi đây. Những người lính Hồi giáo cảm thấy họ bị đặt ra ngoài lề của chính quyền quá độ. Trong khi đó, một số bộ lạc còn cảm thấy họ đã không được NTC chia thành quả chiến thắng như mong muốn. Một trong những lý do khiến nhiều chiến binh không giã từ vũ khí là họ không tin vào quá trình hòa giải chính trị được cho là đang diễn ra tại đất nước Dầu sạch. Các nhà quan sát đã có lý khi chua chát cho rằng, Lybia đang thành một Iraq hoặc "Afghanistan mới". NTC hiện nay không khác gì chính quyền không có thực quyền, tức là chỉ tồn tại trên danh nghĩa và được dựng lên bởi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Do đó, sự kiện ông Abdel Rahim El-Keib - một kỹ sư điện tử ở Tripoli - được Mỹ đào tạo, từng sống ở Mỹ nhiều hơn ở Lybia, được bầu làm Thủ tướng lâm thời là không quá khó hiểu. Điều này thể hiện sức ép mà NTC đang phải đối mặt và đây chỉ là gương mặt tạm thời để làm "hài lòng" các nhóm phiến quân. Nhưng, đây chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, nguy cơ NTC bị các nhóm vũ trang lấn quyền là khó tránh khỏi.
Một năm sau cuộc chiến đẫm máu, không ai có thể dự đoán được tương lai của Lybia thời hậu Gaddafi. Trong khi đó, đất nước trong giai đoạn chuyển mình đang đặt ra một loạt vấn đề phức tạp thời hậu chiến. Nhiều nhà phân tích dự đoán, tình hình ở Lybia sẽ tương tự Ai Cập. Những người biểu tình từng reo hò sung sướng khi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức dưới sức ép của làn sóng biểu tình do họ tạo ra đã vỡ mộng khi thấy tình hình không có gì thay đổi sau cuộc lật đổ.
Thực tế, thành quả lớn nhất mà NTC làm được đến nay là tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên vào ngày 20-2 vừa qua. Nhưng đáng tiếc, nó chỉ diễn ra tại Misrata, thành phố lớn thứ ba, nơi được xem là "đại bản doanh" của NTC. Và, cuộc bầu cử chỉ là "điểm bầu mẫu" cho các địa phương còn lại trong nước noi theo và chưa biết đến bao giờ các cuộc bầu cử tại các địa phương mới kết thúc. Dự kiến, đến tháng 6-2012, chính phủ lâm thời của Lybia mới tổ chức tổng tuyển cử để bầu Hội đồng quốc gia để soạn thảo Hiến pháp mới, mở đường cho việc thành lập chính phủ dân cử đầu tiên thời hậu Gaddafi, nhưng chưa có gì bảo đảm để sự kiện này sẽ tổ chức thành công. Khó khăn chồng chất khó khăn cả về chính trị lẫn kinh tế đang là hứa hẹn duy nhất với chính quyền hiện nay ở Libya bất chấp việc Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết tiếp tục ủng hộ Lybia trong nỗ lực chuyển giao và tái thiết của nước này.
Một năm sau chiến dịch "Bình minh Odyssey", người dân Lybia vẫn chưa thấy hy vọng nào cho tương lai của đất nước. "Cơn địa chấn" bên bờ Địa Trung Hải có chăng đang làm trầm trọng thêm những rối ren tại đất nước Bắc Phi này; đồng thời tạo ra một hiệu ứng tiêu cực với nhiều e ngại trên khắp bản đồ thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.