Hà Nội kết nối

Bình Dương: Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,95%

Hà Phạm 27/12/2023 - 16:03

Năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh Bình Dương ước tăng 5,95% so với năm 2022

Ngày 27-12, tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị giao ban báo chí và thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023.

bc3.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương Trương Thị Bích Hạnh đánh giá cao sự nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả trong tuyên truyền của các cơ quan báo chí thời gian qua. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã tích cực hỗ trợ thông tin báo chí, từ cung cấp thông tin đến công tác phát ngôn, quản lý, thông tin kịp thời, hiệu quả hơn năm trước; phổ biến, triển khai thông tin pháp luật về báo chí, nâng cao đạo đức hành nghề, bảo đảm quyền tác nghiệp của báo chí trên địa bàn tỉnh.

Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023 đạt được nhiều kết quả quan trọng và tiếp tục tăng trưởng, nhất là lĩnh vực thương mại - dịch vụ, công nghiệp.

Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 5,95% so với năm 2022. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,1%, tiếp tục là ngành đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế của tỉnh Bình Dương nói chung.

Bên cạnh sự tăng trưởng ngành công nghiệp, các lĩnh vực thương mại dịch vụ và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đạt mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 304.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm trước.

Mặc dù vậy, quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu tại các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với diễn biến bất lợi, khó lường của tình hình kinh tế, chính trị thế giới.

Cụ thể, một số doanh nghiệp vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19 nay gặp khó khăn mới như đơn hàng giảm mạnh, tồn kho tăng, khó tiếp cận vốn, chi phí lãi vay cao, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự...

Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu chủ lực, truyền thống bị suy giảm hoặc tăng thấp; nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất đều giảm sâu. Do đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 31,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 23,1 tỷ USD, giảm 7%.

Bước sang năm 2024 được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức với hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Trước tình hình đó, tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm để tập trung lãnh đạo thực hiện theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lộc Hà nhấn mạnh, năm 2024, tỉnh Bình Dương tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, cơ cấu thực chất lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đêm.

Trong đó, về phát triển công nghiệp sẽ tập trung phát triển công nghiệp gắn với phát triển hạ tầng đô thị và hội nhập quốc tế, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, công nghệ chíp bán dẫn, vi mạch điện tử, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,95%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.