(HNM) - Vào thời điểm này, khi chúng ta đã tham gia và hoàn tất đàm phán 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương; Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức được thành lập; đặc biệt Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết giữa 12 nước trong đó có sự tham gia của Việt Nam đã mở ra cho thị trường trong nước những cơ hội, điều kiện thuận lợi cùng không ít khó khăn, thách thức trong thời kỳ đất nước hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Trong bối cảnh đó, chúng ta phải làm gì để cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVĐ) tiếp tục mang lại những tác động tích cực tới toàn xã hội? Đó là nội dung trao đổi giữa Báo Hànộimới và bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố, Phó ban Chỉ đạo (BCĐ) CVĐ TP Hà Nội.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Lê Thị Kim Oanh. |
Hàng Việt được ưu tiên lựa chọn
- Sau gần 6 năm, bà nhận định, đánh giá thế nào về quá trình triển khai thực hiện CVĐ trên địa bàn Thủ đô?
- Với nhiệm vụ xuyên suốt của Mặt trận là công tác tuyên truyền, vận động, CVĐ đã được triển khai bài bản trên địa bàn Thủ đô. Tại cơ sở (các quận, huyện, thị xã), BCĐ thực hiện CVĐ được thành lập, bao gồm đại diện chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể; trong đó, Mặt trận là cơ quan thường trực, có chức năng chủ chốt, làm Trưởng BCĐ. Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước được triển khai hiệu quả; nhiều chính sách được UBND thành phố chỉ đạo quyết liệt, góp phần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp; các hoạt động hỗ trợ người tiêu dùng (NTD) tiếp tục được duy trì, phát huy tác dụng. Do vậy, CVĐ đã tạo được hiệu ứng và sức lan tỏa tốt trong đời sống xã hội, góp phần từng bước làm thay đổi nhận thức, hành động của nhà sản xuất, nhà phân phối và NTD.
- Bà có thể cho biết thêm những dẫn chứng cụ thể?
- Ví dụ trong công tác quản lý nhà nước, phần chia sẻ những khó khăn đối với các doanh nghiệp, riêng trong năm 2015 Hà Nội đã hỗ trợ lãi suất với tổng kinh phí 35,3 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho 12 doanh nghiệp với số tiền 11 tỷ đồng và hỗ trợ lãi suất vốn vay sản xuất, kinh doanh cho 14 doanh nghiệp với số tiền 24,3 tỷ đồng. Trong triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, cả năm 2015 các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay ưu đãi khoảng 110 tỷ đồng, giải ngân được 85.000 tỷ đồng cho 4.000 doanh nghiệp, tăng 3,24 lần so với cuối năm 2014… Tại Lễ vinh danh các sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu lần thứ nhất do Bộ Công thương tổ chức, Hà Nội có 2/10 sản phẩm trong top sản phẩm thương hiệu Việt xuất sắc; 3/10 doanh nghiệp trong top doanh nghiệp tiêu biểu xuất sắc có sản phẩm đạt tỷ lệ nội địa hóa cao; 25/80 doanh nghiệp trong top thương hiệu Việt tiêu biểu… Bên cạnh đó, thành phố còn triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm hỗ trợ NTD; siết chặt công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng; đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại…
- Thưa bà, một trong những mục tiêu trọng tâm của CVĐ là hướng NTD sử dụng hàng Việt?
- Muốn như vậy thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa bằng cách đổi mới công nghệ, thiết bị, dây chuyền, đa dạng mẫu mã, tái cơ cấu sản xuất để hạ giá thành sản phẩm… Bên cạnh đó, mối liên kết lỏng lẻo giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối phải được giải quyết để hàng Việt có điều kiện tiếp cận với NTD không chỉ trong các siêu thị, trung tâm thương mại. Và cuối cùng là Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Có như vậy, hàng Việt mới có thể là lựa chọn hàng đầu của NTD.
- Kết quả một cuộc khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, 92% người dân cả nước đã hiểu và biết đến CVĐ, trong đó có đến 63% biến sự nhận thức thành hành động khi ưu tiên mua và sử dụng hàng Việt Nam. Ở Hà Nội, con số cụ thể là thế nào, thưa bà?
- Qua nhiều cuộc khảo sát được thực hiện trên địa bàn Thủ đô, tôi nhận thấy niềm tin và thói quen của NTD đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể đã có hơn 83% số người được hỏi cho biết đã có nhận thức về vai trò của NTD đối với sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó 73% đã có sự thay đổi thói quen và sử dụng hàng sản xuất tại Việt Nam. Trong hệ thống thương mại tại Hà Nội, có rất nhiều cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm từ 85 đến 90%. Đặc biệt có thể thấy, hầu hết các cửa hàng, siêu thị đều ưu tiên giới thiệu, trưng bày hàng Việt Nam ở những vị trí bắt mắt để NTD dễ nhận biết, sử dụng. Ngày trước có nhiều vụ việc bị phát hiện làm giả hàng hóa, nhãn mác nước ngoài để tiêu thụ thì nay lại có chuyện nước ngoài làm giả một số loại hàng Việt Nam được NTD ưa thích rồi tuồn qua biên giới vào thị trường nội địa. Nhìn nhận ở một khía cạnh, như vậy là một số sản phẩm, hàng hóa của chúng ta được NTD đánh giá cao hơn hàng ngoại nhập. Đó là tín hiệu đáng mừng.
Trách nhiệm của 3 nhóm đối tượng
- Để CVĐ tiếp tục phát huy hiệu quả, có những ý kiến cho rằng chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền mạnh để nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mọi người dân Việt Nam trong thực hiện CVĐ. Bà nhận xét như thế nào về vấn đề này?
- Đây là CVĐ, do đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là rất cần thiết, nhờ đó có thể thực hiện đồng bộ các giải pháp. Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở hô hào thì dễ rơi vào duy ý chí. Hiểu một cách “đao to, búa lớn” thì nhiều người cho rằng, thực hiện CVĐ là thể hiện lòng yêu nước. Nhưng theo tôi, vấn đề quan trọng là doanh nghiệp, NTD hiểu rằng họ được thụ hưởng gì từ CVĐ. Ví dụ nếu chúng ta sử dụng nguyên liệu, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ trong nước đồng nghĩa với việc một hoặc nhiều doanh nghiệp không đóng cửa, lao động không mất việc làm. Hay NTD sử dụng hàng Việt Nam thì chế độ khuyến mãi, hậu mãi, bảo hành, hay sửa chữa sẽ thuận lợi hơn so với những mặt hàng ngoại giá rẻ không rõ nguồn gốc đang trôi nổi ngoài thị trường… Vì thế, cần nhận thức việc sử dụng hàng Việt Nam đã đem lại lợi ích to lớn cho 3 nhóm đối tượng là cá nhân NTD, doanh nghiệp và Nhà nước.
- Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng từng nhấn mạnh, nếu chỉ trông chờ người dân ở tinh thần yêu nước, trong khi giá cả, chất lượng hàng Việt không tương thích thì người tiêu dùng không quay trở lại với sản phẩm trong nước.
- Đúng vậy, việc nâng cao chất lượng sản phẩm trong nước, có giá cả cạnh tranh, đồng thời có hình thức, mẫu mã phù hợp với thị hiếu NTD là yêu cầu cốt lõi trong thực hiện CVĐ để NTD tin tưởng, tin yêu hàng Việt.
- Tuy nhiên, nhìn theo bề nổi, có vẻ như CVĐ mới chỉ chú trọng tới đối tượng là NTD chứ chưa quan tâm đúng mức tới đối tượng doanh nghiệp. Ngược lại, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với CVĐ cũng chưa được đề cao. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp trong nước có quy mô vừa và nhỏ, nguồn vốn thấp, sức cạnh tranh không cao nên rất khó khăn trong đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm…
- Như tôi đã nêu, 3 nhóm đối tượng là cá nhân NTD, doanh nghiệp và Nhà nước đều phải có trách nhiệm cao đối với CVĐ. Và trên thực tế, những kết quả Hà Nội thu được từ CVĐ là do thực hiện đồng bộ các giải pháp chứ không chỉ hướng tới việc kêu gọi NTD sử dụng hàng Việt Nam. Từ việc nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và ban hành kịp thời những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, các doanh nghiệp của Hà Nội cũng mạnh lên trong xây dựng thương hiệu, vị thế của mình, đồng thời tập trung đầu tư cho những sản phẩm chủ lực, mang lại giá trị gia tăng cao.
- Với vai trò, trách nhiệm là cơ quan chỉ đạo thực hiện CVĐ, nhiệm vụ của MTTQ các cấp là gì thưa bà?
- Mặt trận sẽ là kênh đối thoại, cân bằng và làm cầu nối giữa doanh nghiệp với NTD, giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng được giao trách nhiệm quản lý nhà nước, thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp để có sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ, mẫu mã hình thức đẹp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của NTD.
Thách thức và cơ hội
- Thời điểm này, khi chúng ta đã tham gia và hoàn tất đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do; thời hội nhập, thị trường nội địa rộng mở, trở thành “sân chơi” chung của khu vực và thế giới, bà có cho rằng đây là thách thức lớn đối với CVĐ?
- Tôi cho rằng đây là cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước có ký hiệp định để hưởng các ưu đãi về thuế quan. Song, bên cạnh đó hàng Việt cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt với nhiều mặt hàng ngoại đã và đang xâm nhập vào thị trường nội địa. Hàng ngoại tràn vào thị trường nội, đồng nghĩa với “chiếc bánh” thị phần sẽ bị chia nhỏ. Vì thế, doanh nghiệp Việt phải có kế hoạch ngắn, trung, dài hạn để giữ và mở rộng thị phần trong nước. Điều đó đòi hỏi CVĐ phải đi vào chiều sâu với những giải pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thực tế, phục vụ cho sự phát triển ổn định, bền vững.
- Bà suy nghĩ như thế nào khi thời gian qua nhiều doanh nghiệp hướng sự quan tâm tới thị trường ngoài nước, cụ thể là trong việc xuất khẩu sản phẩm, còn nhiều khi “hàng lỗi” hoặc bị trả về mới dành cho thị trường trong nước?
- Các chủ doanh nghiệp phải hiểu đối tượng đích để đặt ra tiêu chí, định hướng phục vụ lâu dài là gì, có phải là gia đình, họ hàng, cộng đồng gần gũi quanh ta không? Tôi cho rằng, nước ta có hơn 90 triệu dân, là một thị trường đáng mơ ước của nhiều doanh nghiệp không chỉ của Việt Nam. Thị trường ấy ngay cả các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới cũng đang tìm hiểu và hướng tới. Trong khi đó, tại sao cứ sản xuất ra sản phẩm đẹp, chất lượng cao thì lại mang đi xuất khẩu, trong khi thị trường trong nước đang thiếu hụt thì lại bỏ ngỏ? Bên cạnh đó cũng có một số doanh nghiệp có sản phẩm tốt nhưng chưa chú trọng quảng bá thương hiệu sản phẩm, hoàn thiện mẫu mã hàng hóa đẹp hơn, bắt mắt hơn, tiện lợi hơn. Một điều quan trọng nữa là các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông, tận dụng sức mạnh của truyền thông để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Mặt khác, thông qua truyền thông, doanh nghiệp sẽ tiệm cận nhanh hơn tới NTD, hiểu được sở thích, mong muốn của NTD để có cách thức phục vụ tốt hơn. Mặt khác, các doanh nghiệp phải coi trọng đạo đức kinh doanh, phải hướng tới NTD để bảo vệ quyền lợi NTD. Bây giờ, thị trường không có chỗ cho những kiểu làm ăn chụp giật.
- Như vậy cơ hội và thách thức đều có, song như phân tích có lẽ thách thức đặt ra đối với các doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai là rất lớn, thưa bà?
- Tôi không cho rằng như vậy, ở đây phải nhìn nhận thách thức và cơ hội là ngang nhau. Vấn đề là từ trước tới nay, áp lực đặt ra cho các doanh nghiệp của chúng ta chưa cao, do đó bây giờ chúng ta phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản để ứng phó với tình hình. Thời mở cửa, hội nhập, bình đẳng trên cùng “sân chơi” đòi hỏi các doanh nghiệp của chúng ta phải tự đứng trên đôi chân của mình, phải tập trung nguồn vốn, con người, công nghệ, thời gian… để sản xuất ra sản phẩm mang dấu ấn trí tuệ riêng, phù hợp với nhu cầu NTD. Doanh nghiệp Việt cũng nên tìm hiểu học hỏi cách phân phối hàng hóa của những tập đoàn lớn, liên kết với doanh nghiệp sản xuất hoàn thiện sản phẩm để cùng tham gia vào chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa. Cùng với đó, bắt đầu từ thời điểm này, rất nhiều dòng thuế từng bước được cắt giảm, hàng của chúng ta xuất ra nước ngoài và hàng ngoại nhập vào Việt Nam cũng vậy, nếu sản phẩm chúng ta làm ra không có sức cạnh tranh về 2 tiêu chí quan trọng là chất lượng và giá thành thì doanh nghiệp Việt Nam buộc phải trở thành người làm thuê trên “sân nhà”. Và khi đó, lợi ích sẽ chuyển cho các nhà đầu tư nước ngoài dù rằng NTD rất muốn ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
- Cảm ơn bà về những nội dung trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.