Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bình đẳng giới - cốt lõi của văn minh, tiến bộ

Đỗ Quỳnh Chi| 21/03/2022 06:30

(HNM) - Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội văn minh, tiến bộ và phát triển bền vững.

Các quốc gia mong muốn giải quyết vấn đề ở các góc độ: Bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam - nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (ngày 10-3-2022), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh: "Tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới, coi đó là một tiêu chí của tiến bộ, văn minh".

Có thể khẳng định, thời gian qua, thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 24-12-2010, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trước hết, là ở việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Việc bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đời sống gia đình cũng gặt hái nhiều thành tựu. Ngoài ra, để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới, Đảng, Nhà nước liên tục bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý làm cơ sở giải quyết các vấn đề về bình đẳng giới. Nhờ đó, Việt Nam được công nhận là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ, trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Đặc biệt, hơn 2 năm qua, trong các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, phụ nữ, trẻ em luôn được xác định là đối tượng ưu tiên và có nhiều hỗ trợ cao hơn, nhất là phụ nữ mang thai, phụ nữ bị nhiễm Covid-19, trẻ mồ côi do bố mẹ bị tử vong vì Covid-19...

Tuy nhiên, xét về tổng thể, bình đẳng giới ở nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức như vấn nạn ngược đãi phụ nữ, định kiến về giới còn tồn tại, gây nhiều thiệt hại không chỉ cho đối tượng yếu thế mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội. Bất bình đẳng giới cũng được coi là một trong những nguyên nhân chủ yếu của nạn bạo lực gia đình.

Để thúc đẩy bình đẳng giới, hướng đến một xã hội văn minh, tiến bộ và phát triển bền vững, việc đầu tiên cần lưu ý là thay đổi các chuẩn mực văn hóa - xã hội truyền thống sang hướng bình đẳng giới và bao trùm. Đây là trọng tâm để thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ. Trong đó, cần có các giải pháp đổi mới và truyền thông sáng tạo, chẳng hạn như tuyên truyền các hình mẫu của phụ nữ và nam giới trong vai trò lãnh đạo, vừa đóng góp bình đẳng tại nơi làm việc cũng như ở gia đình. Điều này có thể góp phần thay đổi những định kiến giới. Sự thay đổi này cần được tạo điều kiện thuận lợi bằng việc xây dựng, thực hiện các chính sách và dịch vụ xã hội để hỗ trợ cả phụ nữ, nam giới hoàn thành những thiếu hụt hiện nay về trách nhiệm chăm sóc gia đình.

Tiếp đó là thực hiện đúng, đầy đủ Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3-3-2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Trong đó, điều quan trọng là cần phải xem xét một cách nghiêm túc các quy định, chính sách có được hoạch định và thực hiện phù hợp hay không, nhất là về đào tạo, nâng cao chuyên môn, bồi dưỡng chính trị, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm phụ nữ. Nhằm ngăn chặn và xóa bỏ các hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ, chẳng hạn như sự phân biệt về tuổi tác giữa phụ nữ và nam giới khi đào tạo, luân chuyển và trong kế hoạch cơ cấu; cần phải có cơ chế giải trình để bảo đảm rằng trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và sự đại diện của phụ nữ trong lãnh đạo và quản lý được thực hiện, có ràng buộc trách nhiệm khi được xác định là chưa hiệu quả.

Ngoài ra, cần xây dựng thêm một cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả để đạt các mục tiêu về đại diện của phụ nữ trong chính trường. Trong đó, nhấn mạnh vào trách nhiệm cung cấp dữ liệu phân tích giới hằng năm về sự tham gia của phụ nữ trong tất cả các cơ quan nói chung và trong báo cáo tuyển dụng, đào tạo, lập kế hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm. Cùng với đó, phải thực hiện lồng ghép giới vào các khóa đào tạo, tập huấn cụ thể cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Bên cạnh những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, để có thể đi đến giải quyết tận gốc các vấn đề bất bình đẳng giới gây ra còn cần sự thay đổi trong quan điểm, nhận thức của mỗi người dân. Vì vậy, rất cần sự chung tay của mỗi người dân cùng với các cấp chính quyền hoàn thành những mục tiêu đã đề ra nhằm xây dựng một xã hội Việt Nam mà nam, nữ đều được hưởng cuộc sống bình đẳng, an toàn, góp phần phát triển đất nước tiến bộ, toàn diện và bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bình đẳng giới - cốt lõi của văn minh, tiến bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.