Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biểu tượng tuyệt vời về nhân cách cao đẹp

Lê Đức Hải| 14/10/2013 06:04

(HNM) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp vô cùng kính yêu của chúng ta đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Dẫu biết sinh - ly, tử - biệt là quy luật của muôn đời, nhưng mấy mươi triệu người dân vẫn trào dâng nước mắt, thắt nghẹn con tim khi vĩnh viễn phải chia xa Người.

Đã lâu lắm rồi chúng ta mới chứng kiến sự ra đi của một con người đã trở thành nỗi đau chung của cả đất nước. Trong những ngày vừa qua, cả dân tộc Việt Nam đã thành kính bày tỏ tình cảm tiếc thương vô hạn một NGƯỜI ưu tú nhất. Nhân dân khóc thương Bác Giáp, đau xót như mất đi người thân yêu của mình. Đông đảo cựu chiến binh, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang ngậm ngùi tiễn biệt người Anh Cả của quân đội. Nhân loại tiến bộ trên thế giới cũng chia sẻ sự mất mát, hụt hẫng khi một huyền thoại lịch sử đã khuất bóng…

Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức trang trọng, để tưởng nhớ và biết ơn một nhân vật "Võ công truyền quốc sử/ Văn đức quán nhân tâm". Đó thực sự là một lễ tang hiếm có, tương xứng với tầm vóc một nhà lãnh đạo kiệt xuất đã có những cống hiến vô cùng to lớn cho đất nước và dân tộc, một con người "văn võ song toàn", có tài năng quân sự và tư chất lãnh đạo, có uy tín bao trùm, trí tuệ uyên bác, nhân cách tỏa sáng; thực sự xứng đáng với một tên tuổi được nhân dân cả nước yêu kính, tin tưởng, là niềm tự hào và đã trở thành "biểu tượng sống" của dân tộc Việt Nam, người được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, trân trọng, và ngay cả kẻ thù cũng phải nghiêng mình kính phục. Việc Đảng, Nhà nước tổ chức Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp trang trọng, theo nghi thức cao nhất là một quyết định phù hợp với lòng dân, thể hiện rõ sự tri ân và niềm tiếc thương vô hạn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trước sự ra đi của Đại tướng…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người thuộc "thế hệ vàng" lập nước, là đồng chí, cán bộ cấp dưới tuyệt đối trung thành, đồng thời là học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng gắn liền với những chặng đường đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường của Ðảng và nhân dân ta. Tên tuổi của Đại tướng gắn liền với những mốc son chói ngời trong lịch sử dân tộc.

Nhân dân Thủ đô thương tiếc tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Nhật Nam


Sinh ra ở một vùng quê nghèo, lớn lên trong cảnh đất nước lầm than dưới ách thống trị của bè lũ thực dân, phong kiến, lòng yêu nước được bồi đắp, hun đúc bởi lý tưởng Cách mạng cao đẹp, người thanh niên trí thức Võ Nguyên Giáp đã trở thành người Cộng sản kiên trung, đi theo con đường giải phóng dân tộc do Nguyễn Ái Quốc vạch ra. Bước ngoặt quan trọng nhất của cuộc đời ông chính là thời điểm lãnh tụ Hồ Chí Minh giao trọng trách thành lập và đứng đầu lực lượng vũ trang cách mạng chiến đấu giành độc lập dân tộc, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tài thao lược, cùng với bản lĩnh cầm quân kiệt xuất của Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta lập nên những chiến công hiển hách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tháng 5-1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và Đại thắng mùa Xuân 1975 "đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào", giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đáng nói là người đứng đầu quân đội đã đánh bại hai đội quân xâm lược hùng mạnh bậc nhất thế kỷ XX lại chưa hề được đào tạo qua trường lớp quân sự nào, và chính điều ấy đã làm nên sự khác biệt của Đại tướng, khiến thế giới phải ngả mũ khâm phục, suy tôn Võ Nguyên Giáp là danh tướng, một trong những thống soái kiệt xuất nhất trong lịch sử nhân loại..., đồng thời đánh giá ông là một trong số những người hiếm hoi có khả năng làm thay đổi dòng chảy lịch sử. Và cùng với Hồ Chí Minh, tên tuổi Võ Nguyên Giáp đã trở thành một huyền thoại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX…

"VÕ CÔNG" của tướng Giáp lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, nhưng nhân dân kính trọng, tin yêu Bác Giáp còn bởi ông thực sự là người rất có "VĂN ĐỨC". Trong cuộc đời dù trải qua không ít thăng trầm, dâu bể, nắm giữ nhiều cương vị, kinh qua nhiều lĩnh vực công tác, thế nhưng con người Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn toát lên tinh thần nhân văn cao cả, luôn lấp lánh trí tuệ và đặc biệt là luôn tỏa sáng một phẩm cách thanh sạch, hết lòng vì dân vì nước. Cho đến tận lúc thanh thản nhắm mắt xuôi tay, như nhân dân thường nói một cách tôn kính là "về với Bác Hồ", Đại tướng vẫn luôn là viên ngọc sáng trong, không mảy may tì vết. Đó thực sự là một nhân cách hiếm thấy. Và chính điều đó đã làm nên một vị Đại tướng của nhân dân.

Là một danh tướng bách chiến bách thắng, thế nhưng điều ông thường đau đáu nghĩ trước khi bắt đầu một trận đánh hay một chiến dịch là làm sao để quân ta tổn thất ít nhất. Không chỉ bây giờ, khi đã khuất bóng núi sông mà lúc Đại tướng còn sống người ta đã truyền tai nhau câu chuyện rằng có những trận thắng vang dội nhưng ông lại lặng lẽ khóc ở sở chỉ huy vì mất nhiều lính quá! Giữ cương vị lãnh đạo cao cấp nhưng trong cuộc sống cũng như trong công việc Đại tướng luôn là người bình dị, khiêm nhường. Trong cuộc đời mình ông đã từng viết, hay kể cho người khác viết, nhiều cuốn hồi ký, song đó là những tư liệu về Đảng, Bác Hồ, về nhân dân trong cuộc chiến tranh cách mạng dưới con mắt của một Đại tướng Tổng Tư lệnh. Khi có người đề nghị ông viết về mình thì Đại tướng đã lịch sự từ chối: "Đời mình có gì đâu mà viết. So với Bác Hồ, với đồng bào chiến sỹ, mình chỉ là một giọt nước rất nhỏ giữa đại dương mênh mông...". Khi ai đó khen mình, ông đều nói: "Trước hết là nhờ Bác Hồ, không có Bác Hồ thì không có tôi. Tiếp theo là nhờ quân dân ta. Mình tôi thì làm được gì". Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc hay ngay cả lúc đau yếu, ông vẫn quan tâm, hỏi han chuyện nhà chuyện cửa của cán bộ cấp dưới, người phục vụ hay bác sĩ, y tá chăm sóc mình… Năm 2007, nghe tin nữ công vụ người dân tộc Tày từng phục vụ mình ở Cao Bằng 66 năm trước (năm 1941) qua đời, Đại tướng đã gửi vòng hoa và điện chia buồn tới gia đình…

Bởi những phẩm chất vô cùng quý giá đó nên sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhân dân vô cùng kính trọng, biết ơn sâu sắc, thế nên sự ra đi của Người đã để lại cho Ðảng, quân đội và nhân dân ta nỗi đau mất mát vô cùng to lớn. Hình ảnh dòng người trang nghiêm xếp hàng vào viếng Người tại những địa điểm tổ chức tang lễ đã nói lên niềm tiếc thương vô hạn đó. Đặc biệt, không chỉ trong hai ngày chính thức diễn ra Quốc tang mà suốt nhiều ngày trước đó, ngay sau khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, mỗi ngày có đến hàng vạn người xếp hàng dài từ sáng sớm đến đêm khuya trên đường Hoàng Diệu và khu vực xung quanh để chờ được viếng Đại tướng tại tư gia. Có nhiều người từ tỉnh xa đến Hà Nội chỉ với mục đích được thắp một nén tâm nhang cho Bác Giáp. Không ít cựu chiến binh mái đầu bạc trắng, thân thể còn đầy thương tích, có người mất cả chân tay phải nhờ đồng đội dìu đứng trước linh cữu Đại tướng, nước mắt họ ràn rụa, nghẹn ngào vĩnh biệt người Anh Cả. Trong dòng người tưởng như vô tận đó có rất nhiều bạn trẻ thanh niên, học sinh, sinh viên… Không ai bảo ai, tất cả đều tự giác, kiên nhẫn xếp hàng để mong được một lần thành kính tri ân CON NGƯỜI vĩ đại của dân tộc, một huyền thoại người đã làm rạng danh dân tộc, rạng danh non sông đất nước ta. Đáng nói là nhiều quán xá ở gần đó cũng treo biển ngừng kinh doanh, tự nguyện phục vụ miễn phí bánh mì, nước uống, chỗ đi vệ sinh cho người dân xếp hàng vào viếng Đại tướng. Và không chỉ ở Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình - 3 điểm tổ chức Quốc tang mà từ Điện Biên, Cao Bằng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp… đến quần đảo Trường Sa cũng lập bàn thờ để quân dân viếng Đại tướng. Có thể nói, với tất cả sự yêu thương, thành kính, nhân dân đã tổ chức Quốc tang Đại tướng trong lòng mình.

Chứng kiến những giọt nước mắt tiếc thương, tự hào của nhân dân cả nước, chúng ta nhận ra một điều kỳ diệu. Đã lâu lắm rồi đất nước mới chứng kiến một sự biểu thị tình cảm sâu rộng, chân thành, tự nguyện, tự giác đến thế. Dường như cả dân tộc đã gắn kết lại trong một nỗi đau chung. Sự ra đi của một CON NGƯỜI đã thức tỉnh, lay động lòng người, nói đúng hơn là đã thắp lên một ngọn lửa đoàn kết, nhân văn, thắp lên một khát vọng sống có ích, sống có trách nhiệm, hướng tới mục tiêu cao đẹp, trong cộng đồng dân tộc, nhất là trong thế hệ trẻ. Và sự ra đi của Đại tướng cùng tình cảm trọn vẹn của toàn Đảng, toàn dân dành cho Đại tướng như một thông điệp nhắc nhở những người ở lại phải sống và hành động có trách nhiệm hơn với dân với nước, sống sao cho không hổ thẹn với quá khứ, với tiền nhân, để có được niềm tin tưởng, yêu kính của toàn thể nhân dân. Có những lúc chúng ta từng nghĩ niềm tin vào cái đẹp, cái cao thượng, niềm tin vào chân lý... đã bị mất đi, thế nhưng qua sự kiện đau thương này đã chứng minh rằng niềm tin đó vẫn mạnh mẽ trong mỗi con người Việt Nam dù cuộc sống có những biến đổi trong thời kỳ hội nhập, mở cửa. Chỉ có điều, niềm tin phải thực sự dành cho cái đẹp, cái cao thượng, dành cho những nhân cách lớn luôn sống vì dân vì nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một biểu tượng tuyệt vời về cái đẹp, về nhân cách cao thượng, chân chính. Và chính điều đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi từ giã cõi trần theo quy luật, đã kết nối sự đoàn kết, đồng lòng trong nhân dân, lay động và nhân lên tình yêu dân tộc, đất nước, tin yêu vào cuộc sống, tin yêu con người, nhân lên văn hóa tự giác trong mọi tầng lớp nhân dân, lấp lánh chất nhân văn cao đẹp giữa thời điểm mà cuộc sống đang đặt ra nhiều trăn trở, băn khoăn.

Chính vì vậy mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp dù không còn nữa, nhưng tấm gương cả cuộc đời cống hiến vì nước, vì dân và nhân cách sáng ngời của NGƯỜI vẫn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biểu tượng tuyệt vời về nhân cách cao đẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.