(HNM) - Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Nỏng Hang, xã Xiêng Phin, huyện Mương, tỉnh Udon Thani không chỉ là địa chỉ quen thuộc với bà con kiều bào Việt Nam tại Thái Lan mà còn là điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Làng Nỏng Hang là nơi 86 năm về trước (năm 1928), Nguyễn Ái Quốc đã từ Châu Âu về Thái Lan hoạt động cách mạng. Trong thời gian hoạt động tại đây từ tháng 7-1928 đến 11-1929, Nguyễn Ái Quốc với nhiều tên gọi khác nhau như: Ông Thọ, Nam Sơn, ông Chín, được nhân dân Thái Lan gọi bằng cái tên thân thương, gần gũi là Thầu Chín (hay ông già Chín). Những hoạt động và đời sống sinh hoạt giản dị của Người đã cổ vũ và khơi dậy tinh thần yêu nước trong kiều bào và gây dựng tình cảm thân thiết của nhân dân Thái Lan đối với cách mạng Việt Nam. Năm 1929, Thầu Chín đã rời Udon Thani, tiếp tục đi các địa phương khác hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước trong bà con kiều bào ở Thái Lan. Mặc dù chỉ ở đây một thời gian ngắn nhưng Nguyễn Ái Quốc đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng bà con Việt kiều.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Nỏng Hang. |
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc trên diện tích 6.500m2 tại làng Nỏng Hang, do bà con Việt kiều và chính quyền tỉnh Udon Thani khởi công xây dựng năm 2003. Khu di tích gồm hai phần chính: Khu nhà ở của Bác Hồ được tái tạo và khu nhà đa năng mới xây kiên cố làm nơi thờ phụng, đọc sách, chiếu phim và trưng bày các kỷ vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bạn Nguyễn Việt Hà, một du khách Việt Nam đến tham quan cho biết: "Tôi đã từng nghe và tìm hiểu về khu di tích này qua nhiều kênh thông tin nhưng đây là lần đầu tiên có dịp đến thăm. Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh rộng rãi, thoáng mát, khang trang và đặc biệt là đã tái hiện một cách sinh động cuộc sống giản dị của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian sống và hoạt động tại đây".
Bước vào khu nhà đa năng, nơi thờ phụng tưởng niệm Bác Hồ, một bầu không khí trang nghiêm khi trên tay mỗi người cầm một nén nhang thơm cúi đầu tưởng nhớ Người. Giọng hát ngọt ngào, truyền cảm của bà Trần Thị Bạch Vân (65 tuổi) với ca khúc "Trông cây lại nhớ đến Người" khiến trái tim người nghe rung động, nghẹn ngào. Trong nhà tưởng niệm có rất nhiều tư liệu về tình hữu nghị Việt Nam - Thái Lan, hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, căn nhà Bác đã ở trong những năm kháng chiến tại Udon Thani, tất cả được tái hiện rõ nét. Từ những tấm bản đồ quân sự đến ngôi nhà sàn đơn sơ nơi Bác nằm được các thành viên trong Ban quản lý trân trọng, nâng niu.
Nổi bật trong khu di tích là phần mô phỏng ngôi nhà Bác đã ở và làm việc trong thời gian hoạt động cách mạng. Trong nhà có khá nhiều hiện vật mà bà con Việt kiều đã lưu giữ, sưu tầm phỏng theo những đồ dùng mà Bác Hồ đã sử dụng năm xưa. Khu nhà có gian bếp, giếng nước, vườn rau, hàng rào râm bụt, kho thóc, chuồng lợn, chuồng gà. Tất cả đều mang dáng dấp, hình bóng quê hương Việt Nam… Mỗi kỷ vật gắn với một câu chuyện khác nhau về cuộc đời, học tập, làm việc của Bác Hồ tại Udon Thani, dù không còn lại nhiều, xong đây là những mảnh ghép lịch sử còn sót lại đầy ý nghĩa của một con người kiệt xuất.
Mặc dù đã ở độ tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng ông Trần Trọng Tài (tên Thái Lan là Chun) đã rời gia đình ở Bangkok để về đây tình nguyện tham gia vào Ban quản lý khu di tích. ông Tài cho biết: Hiện Ban quản lý có 25 thành viên, có nhiệm vụ quản lý, tổ chức đón tiếp, giới thiệu cho các đoàn khách đến thăm khu di tích. Điều đặc biệt là các nhân viên luôn mặc những bộ áo dài truyền thống Việt Nam để đón tiếp các đoàn du khách. Mỗi năm, khu di tích đón hàng nghìn đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, trong đó có gần 90 đoàn ngoại giao các nước đến tham quan, tìm hiểu những ngày tháng Bác Hồ hoạt động cách mạng tại Thái Lan. Đây là một trong những địa điểm du lịch lịch sử đông nhất tại Thái Lan. Theo ông Trần Trọng Tài, khu di tích này không chỉ mang ý nghĩa văn hóa và lịch sử mà còn là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Thái Lan, là tấm lòng thành kính của người dân Thái Lan, trong đó có Việt kiều tại Thái Lan đối với Bác Hồ kính yêu.
Bùi ngùi lưu luyến chia tay sau một ngày gặp gỡ, các thành viên trong Ban quản lý khu di tích tặng chúng tôi những bông hoa nhài ngát hương được trồng trên mảnh đất linh thiêng, nơi Bác Hồ từng sinh sống. Tiễn đoàn ra tận xe, bà Trần Thị Bạch Vân hát bài dân ca quan họ "Người ơi người ở đừng về" như níu giữ chúng tôi, những người có chung dòng máu "Lạc Hồng"; từng cái ôm, cái bắt tay, ánh mắt trao nhau như không muốn ngừng lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.