Chuyện đó đây

Khủng hoảng nhà ở tại Australia: Dấu hiệu ngày càng trầm trọng

Quỳnh Dương 14/03/2024 - 07:01

Cuộc khủng hoảng nhà ở tại Australia có dấu hiệu ngày càng trầm trọng khi tỷ lệ nhà còn trống để cho thuê xuống thấp kỷ lục, chỉ 0,7%.

Ở các thành phố lớn, tỷ lệ này thậm chí còn tệ hơn, buộc nhiều người phải ngủ trong ô tô, dựng lều trong công viên hoặc ở nhờ dưới mái hiên nhà bạn bè. Trong khi đó, nguồn cung hạn chế đã đẩy giá thuê nhà tăng mạnh ở hầu hết các vùng trên cả nước.

tinh-trang-thieu-nha-o-tai-.jpg
Tình trạng thiếu nhà ở tại Australia ngày càng trầm trọng.

Một báo cáo mới đây của Tập đoàn Tài chính Savvy có tiêu đề “Thực tế khắc nghiệt về cuộc khủng hoảng nhà ở tại Australia cho thấy, 2/3 người dân nước này đang trong tình trạng căng thẳng về nhà ở. Cuộc khủng hoảng càng trầm trọng hơn khi tốc độ xây dựng nhà sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ vào năm 2024 bởi chi phí vật liệu, đất đai và tài chính tăng cao, khiến các nhà đầu tư và phát triển bất động sản không có động lực với công việc này. Đây là một thách thức không nhỏ đối với mục tiêu mà Chính phủ đã cam kết: Xây dựng 1,2 triệu ngôi nhà mới trong vòng 5 năm tới. Do đó, nguồn cung nhà ở tại Australia dự kiến sẽ thiếu ít nhất 175.000 căn vào năm 2027.

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nhà ở là do số lượng người di cư vào đất nước Chuột túi tăng mạnh. Australia đã xóa bỏ rất nhiều hệ thống nhà ở chính phủ trong gần nửa thế kỷ qua. Nguồn cung không đủ cầu đẩy giá bất động sản “phi mã” làm nhiều người bị “mắc kẹt” trong thị trường cho thuê nhà. Bà Nicola Powell, Giám đốc nghiên cứu và kinh tế tại Tập đoàn Nghiên cứu bất động sản Domain của Australia cho biết, tỷ lệ nhà trống cho thuê ở những thành phố lớn như Perth và Adelaide chỉ còn ở mức 0,3%. Trong khi đó, theo số liệu của các cơ quan thống kê, đơn xin phê duyệt xây nhà trong tháng 1-2024 đã giảm 11,1% so với mức giảm 10,1% trong tháng 12-2023. Các công ty xây dựng không muốn đầu tư vào dự án nhà ở trong thời điểm này vì không thể kiếm được lợi nhuận.

Nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng ANZ, bà Adelaide Timbrell dự đoán, giá thuê tiếp tục tăng vô thời hạn vì việc thiếu nguồn cung trên thị trường sẽ làm trầm trọng thêm khả năng chi trả nhà ở. Hiện, trung bình một người phải chi tới hơn 30% thu nhập vào nhà ở, bao gồm các khoản như tiền thuê nhà, trả nợ tín dụng, thuế, bảo hiểm, sửa chữa, bảo trì và các chi phí khác... Đặc biệt, ở khu vực Durack của bang Queensland, mức giá thuê nhà đã tăng 15% trong 12 tháng qua, nghĩa là 40% thu nhập hộ gia đình dùng chi trả cho tiền thuê nhà và trên thực tế không còn chỗ trống nào để cho thuê. Ngoài Durack, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Logan Central - cũng ở bang Queensland, cũng như Warilla và San Souci ở bang New South Wales. Các nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất là sinh viên, những người nhận phúc lợi, người có thu nhập trung bình hoặc công việc bấp bênh.

Cuộc khủng hoảng nhà ở đang khiến số người vô gia cư tại Australia ngày càng tăng. Thống kê do Viện Y tế và Phúc lợi Australia mới công bố cho thấy, trong năm tài chính 2022-2023, khoảng 273.600 người cần được hỗ trợ bởi các dịch vụ chuyên biệt dành cho người vô gia cư. Nhưng đáng lo ngại hơn là, có tới 108.000 yêu cầu trợ giúp không thể được đáp ứng. Điều này có nghĩa, cứ 3 người tìm kiếm sự giúp đỡ thì có 1 người bị từ chối. Đáng nói, có đến 11.000 người trong số người vô gia cư là thanh, thiếu niên và 19.100 trẻ em.

Hiện tại, ngoài mục tiêu xây thêm nhà, Chính phủ Australia còn đưa ra các chính sách hỗ trợ người dân đủ khả năng chi trả trong bối cảnh giá nhà tăng cao. Chương trình bảo lãnh mua nhà của Chính phủ cung cấp 3 loại ưu tiên khác nhau: Bảo lãnh người mua căn nhà đầu tiên trong khu vực; bảo lãnh chủ sở hữu căn nhà đầu tiên và cha mẹ đơn thân đủ điều kiện. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn cung cấp các ưu đãi và miễn thuế trước bạ dành cho những người mua nhà lần đầu đủ điều kiện.

Những sáng kiến này được đánh giá là ý tưởng hay, tuy nhiên sẽ làm tăng thêm nhu cầu về nguồn cung nhà vốn đã bị hạn chế nghiêm trọng. Điều này khiến cho cuộc khủng hoảng nhà ở tại Australia lâm vào tình trạng bế tắc. Nhiều chuyên gia cho rằng, các giải pháp ngắn hạn nên được sử dụng một cách thận trọng vì chúng có thể gây ra tác động ngược nếu áp dụng quá lâu. Để giải quyết cấp bách tình trạng thiếu nhà ở, Chính phủ nên xem xét các giải pháp sáng tạo như công viên nhà di động, có thể được xây dựng trong 6-8 tuần. Về dài hạn, Chính phủ cần một cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với vấn đề nhà ở để xây dựng một chiến lược thực sự hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng nhà ở tại Australia: Dấu hiệu ngày càng trầm trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.