(HNM) - Bất chấp lạnh giá vẫn còn bao phủ nhiều khu vực của Châu Âu, trong những ngày cuối tuần qua, thủ đô Madrid của Tây Ban Nha lại rung chuyển khi hàng chục nghìn người ở nhiều thành phố khác nhau đổ về tham gia cuộc biểu tình quy mô chưa từng có kể từ năm 2012.
Tập hợp dưới "ngọn cờ" mang tên các hiệp hội công đoàn, dòng người bao gồm nhiều tầng lớp trong xã hội như sinh viên, bác sĩ đã lấp kín các con phố rồi tập trung trước trụ sở Hạ viện. Các sàn chứng khoán, Quảng trường Neptune cũng chật cứng người biểu tình phản đối chính sách khắc khổ và kêu gọi Chính phủ Tây Ban Nha cải thiện nền kinh tế đã đình trệ gần 5 năm mà chưa có dấu hiệu phục hồi. Hơn 1.700 cảnh sát đã được huy động để bảo đảm trật tự, nhưng sự bất bình của dòng người đã khiến đụng độ bạo lực xảy ra. Nhiều người biểu tình quá khích đã ném đá vào cảnh sát, đập phá máy rút tiền trước các ngân hàng, các bảng quảng cáo, buộc cảnh sát phải bắn đạn cao su để giải tán. Hậu quả cuộc đối đầu vì "Bánh mì, việc làm, nhà ở" là hơn 100 người bị thương, trong đó gần một nửa là cảnh sát và hơn 20 người bị bắt. Điều này cho thấy, những mầm mống bất ổn xã hội vẫn luôn thường trực tại xứ sở Bò tót dù nền kinh tế nước này đã phát đi nhiều tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây.
Kết thúc đợt suy thoái kéo dài ròng rã suốt 2 năm, Tây Ban Nha đã lấy lại đà tăng trưởng từ cuối năm 2013 với tỷ lệ 0,3%. Madrid cũng đã ngừng nhận các gói trợ giúp từ chương trình cứu trợ do bộ ba Liên minh Châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chủ trì. Nói một cách công bằng thì đây có thể coi là thành quả của chính sách cải cách cơ cấu kinh tế được Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy triển khai cách đây 2 năm. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế Tây Ban Nha vẫn còn khá khiêm tốn và mong manh. Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy vẫn phải thận trọng do còn những dấu hiệu mất cân đối mà Tây Ban Nha cần điều chỉnh như giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách.
Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Tài chính Tây Ban Nha cho thấy, thâm hụt ngân sách của nước này đã tăng lên 4,62% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tức vào khoảng hơn 64 tỷ USD. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo vẫn ở mức kỷ lục trên 27%, trong đó gần một nửa người lao động dưới độ tuổi 25 không có việc làm. Trong khi đó, mức tăng trưởng dự kiến 0,7% vào cuối năm nay không đủ để giúp tạo ra công việc mới. Mới đây IMF còn cảnh báo, Tây Ban Nha có thể phải trải qua 5 năm nữa với tỷ lệ thất nghiệp "khủng" 25% nếu không thực hiện thêm những cải cách, bao gồm các biện pháp giúp doanh nghiệp giảm lương thay vì sa thải nhân công. Bên cạnh đó, Chính phủ Tây Ban Nha còn phải đối mặt với những mối lo từ tỷ lệ nợ xấu cao kỷ lục của các ngân hàng. Đây là hệ quả của sự cố "vỡ bong bóng" trên thị trường bất động sản năm 2008, đẩy quốc gia này rơi vào suy thoái và hàng triệu nhân công bị mất công ăn việc làm. Các báo cáo tài chính gần đây nhất cho thấy, khoản nợ xấu của Tây Ban Nha đã tăng lên 13,6% (khoảng 197 tỷ euro) - mức cao nhất kể từ năm 1962. Các chuyên gia kinh tế cho rằng tỷ lệ nợ xấu ngân hàng ở xứ Bò tót có thể tiếp tục tăng trong những tháng tới, khi người vay mượn gặp khó khăn trong vấn đề trả nợ thế chấp và những khoản vay của doanh nghiệp.
Bên cạnh những khó khăn về kinh tế, hàng loạt vụ bê bối tham nhũng bị phanh phui gần đây đã giáng mạnh vào uy tín của Chính phủ cũng như Hoàng gia nước này khiến người dân ngày càng thất vọng về bộ máy lãnh đạo. Trong bối cảnh nhiều đảng phái đối lập đang tranh thủ cơ hội này nhằm hạ bệ đảng Nhân dân cầm quyền, nhiều ý kiến cho rằng, nếu Thủ tướng M.Rajoy không đưa ra những liệu pháp có thể thúc đẩy nền kinh tế một cách mạnh mẽ hơn, một kịch bản bất ổn mới có thể sẽ xảy ra trên chính trường Tây Ban Nha.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.