(HNM) - Báo cáo không trung thực, mắc “bệnh thành tích” là những điều nguy hại đang diễn ra khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Cán bộ chủ chốt TP Hà Nội học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII). Ảnh: Bá Hoạt |
Tác hại khôn lường
Tại Hà Nội, còn nhớ vụ việc Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) báo cáo không trung thực về tai nạn của học sinh trong trường khiến dư luận bức xúc. Vị hiệu trưởng này sau đó đã bị cách chức. Mới đây, dư luận lại xôn xao về phê bình của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh với cấp dưới: “Trong cuộc họp 6 tháng đầu năm, tôi đã đề nghị đẩy mạnh tăng trưởng lên 7,5%, các đồng chí cũng báo cáo tăng 7,5%, nhưng số liệu thật chỉ là 7,19%. Trong lĩnh vực nông nghiệp, báo cáo tăng 6,5% nhưng thực chất không đạt con số này. Số liệu như vậy mà các đồng chí cũng không báo cáo cho đúng được”.
Tại hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) vừa diễn ra, đề cập đến trách nhiệm cán bộ trong thực hiện tinh giản biên chế, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho biết: “Khi nói chung, ai cũng đồng tình là bộ máy cồng kềnh, bất hợp lý, phải mạnh mẽ tinh giản. Nhưng khi đi vào thực hiện, nhiều cơ quan, đơn vị lại nói rằng, có thể tinh giản chỗ này, chỗ khác, chứ chỗ tôi làm tốt lắm rồi, nỗ lực lắm rồi, phải tăng cho chỗ tôi mới phải”.
Rõ ràng ở đây có sự bất nhất, không ít đơn vị đã thiếu trung thực khi báo cáo về thực tế cơ quan mình; thiếu quyết liệt trong tinh giản biên chế. Điều này dẫn đến kết quả tinh giản biên chế ngược với yêu cầu. Thực tế, Nghị quyết 39-NQ/TƯ ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” đề ra mục tiêu, mỗi năm tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000-150.000 người, nhưng đến nay, sau khoảng ấy thời gian, cả nước đã tăng thêm 96.000 biên chế.
Thực tế, còn rất nhiều dẫn chứng thực tiễn về tình trạng báo cáo không trung thực tác động xấu đến kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị. Tại nhiều địa phương, khi xảy ra vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, do không báo cáo đúng tình hình nên các giải pháp xử lý không đủ mạnh, chậm trễ, làm vụ việc ngày càng phức tạp.
Điển hình về tệ báo cáo không trung thực là kết quả hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp nhà nước như Vinashin, Vinalines hay Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản, nhưng báo cáo thường niên của các đơn vị này vẫn đều đều nêu thành tích. Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, “Tập đoàn Vinashin đã báo cáo không trung thực với Chính phủ tình hình tài chính của doanh nghiệp...”. PVC thậm chí còn “tô hồng” hồ sơ để được nhận Huân chương Lao động rồi danh hiệu Anh hùng Lao động, mặc dù thua lỗ…
Loại trừ “căn bệnh” nguy hiểm
Tệ báo cáo không trung thực đã được đề cập nhiều lần trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Đó là sự tập trung của hàng loạt những biểu hiện cụ thể trong 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như: “Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật”; "mắc bệnh" thành tích, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi…
Tệ báo cáo không trung thực cũng là một trong những nội dung được đề cập tại Quy định 47-QĐ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về những điều đảng viên không được làm. Trong 19 điều đảng viên không được làm, điều 8 nêu rõ: “Quan liêu, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật...”. Còn theo Quy định 181-QĐ/TƯ ngày 30-3-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm” quy định: Cán bộ, đảng viên đã vi phạm mà mắc thêm việc “Cung cấp thông tin, báo cáo sai sự thật…” sẽ bị coi là tình tiết tăng nặng.
Những quy định, yêu cầu về sự trung thực trong báo cáo đã có, vấn đề đặt ra là ý thức trách nhiệm thực hiện của cán bộ, đảng viên. Trong công tác, nhất là khi phải tham mưu, báo cáo với cấp trên, mỗi người đều phải tự soi rọi mình vào quy định, yêu cầu để thực hiện.
Tại Hà Nội, báo cáo trung thực là trách nhiệm của cán bộ, công chức; nét đẹp văn hóa, thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội. Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) phân tích: “Việc tự giác, trung thực, thành khẩn và cầu thị của cán bộ là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định kết quả của tự phê bình và phê bình. Bởi vì không ai hiểu mình bằng chính mình; không ai có thể biết được tư tưởng, suy nghĩ, hành động của mình ngoài bản thân mình”.
Ngoài ra, một nguyên nhân của tình trạng báo cáo không trung thực vẫn “có đất sống” là do cấp trên còn quan liêu, xa rời thực tiễn. Do vậy, muốn loại bỏ tệ báo cáo không trung thực, cán bộ lãnh đạo cấp trên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát thực tiễn, sâu sát cơ sở, chủ động kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm…
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi báo cáo không trung thực là dối Đảng, có tội với Đảng và là “căn bệnh” nguy hiểm… Hiện nay, cả nước ta chuẩn bị bước vào năm công tác 2018, việc đánh giá kết quả công tác năm 2017 để xây dựng kế hoạch năm tiếp theo đang được thực hiện. Do vậy, yêu cầu báo cáo trung thực càng đặt ra cao hơn đối với mỗi cá nhân, tập thể, đặc biệt là người đứng đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.