Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biểu diễn nghệ thuật tại lễ hội: Vui hội cũng phải chỉn chu...

An Định| 12/02/2023 14:06

(HNMCT) - Trong đời sống văn hóa của người Việt, lễ hội dân gian chiếm một vị trí quan trọng, nơi các yếu tố văn hóa truyền thống, trong đó có nghệ thuật biểu diễn truyền thống được bảo tồn, phát triển. Nhưng đâu đó, trong cách tổ chức vẫn còn những điều khiến cho các giá trị văn hóa chưa được thể hiện và tôn vinh đúng mức.

NSƯT Ngọc Ánh (giữa) cùng các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn tại đình Vân Điền, xã Vân Hà, huyện Đông Anh.

Tôn Ngộ Không hát quan họ?!

Trở lại sau 3 năm bị dừng vì dịch Covid-19, Hội Lim xuân Quý Mão 2023 diễn ra tưng bừng trong ngày 2 và 3-2 với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian... Dù trời mưa lạnh song người dân ở khắp nơi vẫn đổ về đây để tham dự lễ hội độc đáo của vùng văn hóa Kinh Bắc. Không thể phủ nhận, Ban tổ chức lễ hội đã cố gắng để tạo ra bầu không khí vui vẻ, lành mạnh, tạo điều kiện cho du khách tham quan và trải nghiệm nét văn hóa đặc trưng của Bắc Ninh. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những hình ảnh khiến du khách, những người yêu quan họ cảm thấy không vui.

Hình ảnh nhân vật Tôn Ngộ Không đã rất quen thuộc với người Việt nhưng gặp Tôn Ngộ Không đi cà kheo, cầm mic hát quan họ ngay giữa hội Lim có lẽ là điều mà nhiều người không ngờ. Cách hóa trang ấy khiến nhiều người tò mò, thích thú song lại kệch cỡm với không gian văn hóa này.

Nếu như việc thưởng tiền cho người hát là một nét trong nghệ thuật hát xẩm truyền thống bởi đó là nghệ thuật đường phố, người nghệ sĩ hát để mưu sinh, sân khấu của họ là nơi góc chợ, bến tàu điện... thì với nghệ thuật quan họ đích thực, không bao giờ có chuyện “ngả nón xin tiền”. Trong quan họ, mời trầu là một cử chỉ văn hóa có tính đặc trưng. Giờ đây, những cơi “trầu tính trầu tình” mà người quan họ đưa ra trong ngân nga câu hát “Ăn một miếng trầu gặp đây ăn một miếng trầu/ Không ăn ơ cầm lấy í, không ăn ơ cầm lấy í cho nhau bằng lòng” lại là nơi để du khách lì xì, nhét tiền lẻ..., làm văn hóa quan họ trở nên méo mó.

Anh Phạm Cường, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Năm nay, tôi đưa con gái cùng đi hội Lim để cho cháu hiểu thêm về văn hóa truyền thống, song với nhiều hiện tượng trong lễ hội, mình phải giải thích thêm cho cháu hiểu đó là sự biến tướng, xưa kia không như thế. Tôi nghĩ, ban tổ chức nên xem lại khâu tổ chức để đảm bảo giữ gìn được nét đẹp của quan họ truyền thống - di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận”.

Diễn trong lễ hội cũng phải chỉn chu

Tham gia cùng các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn tại các lễ hội suốt từ mùng 5, mùng 6 tháng Giêng, có ngày biểu diễn liên tục 3 ca, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Ngọc Ánh - Trưởng đoàn 3, cho biết, năm nay, sau 3 năm bị dừng do dịch Covid-19, không khí lễ hội ở các địa phương có phần rộn ràng hơn mọi năm. Các đoàn nghệ thuật truyền thống được mời biểu diễn liên tục. Tất cả các đoàn của Nhà hát Chèo Hà Nội đã ra quân, thậm chí phải mời thêm diễn viên bên ngoài để đảm bảo kịp thời phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Lịch diễn dày đặc, nghệ sĩ "chạy sô" liên tục song theo NSƯT Ngọc Ánh, chất lượng nghệ thuật, kịch mục mang đi diễn lễ hội vẫn phải đảm bảo chỉn chu, kỹ càng. Chị chia sẻ: “Nghệ thuật chèo truyền thống rất phù hợp để biểu diễn tại lễ hội. Khi đến với các lễ hội, diễn sân đình là trở về đúng với truyền thống và được khán giả đón nhận nhiệt tình. Tuy nhiên, không phải kịch mục nào cũng diễn ở đây được. Chúng tôi phải chọn các tiết mục phù hợp, như các vở về đề tài dân gian, các trích đoạn chèo nổi tiếng hay diễn xướng hầu đồng... Ngay cả các trích đoạn ngắn cũng phải đảm bảo chất lượng nghệ thuật cao nhất, hài ra hài, bi ra bi... Chúng tôi coi đây là cơ hội để tiếp cận đông đảo khán giả, những người không có điều kiện đến nhà hát thường xuyên, giúp khán giả cảm nhận đúng và thêm hiểu, thêm yêu nghệ thuật truyền thống”.

Bên cạnh các sân khấu do nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn, được tổ chức quy mô thì các sân khấu dành cho cộng đồng, với sự tham gia của các đội văn nghệ không chuyên tại địa phương cũng là một nét đặc biệt trong hoạt động biểu diễn tại lễ hội hiện nay. Đây là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian. Tuy nhiên, để tránh những điều gây phản cảm đã được báo chí phản ánh như ở hội Lim hay một số lễ hội vừa qua, cần có sự quản lý, sắp xếp tổ chức hợp lý hơn nữa. “Văn nghệ quần chúng chính là cái nôi nuôi dưỡng nghệ thuật truyền thống, phát hiện và bồi dưỡng tài năng cho sân khấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong các lễ hội, chúng ta phải sắp xếp các sân khấu ấy thế nào cho đúng, đảm bảo được các giá trị, không gian sáng tạo. Ngay cả nghiệp dư, văn nghệ quần chúng thì cũng phải chọn lựa chứ không phải thích thế nào cũng được. Vẫn phải đáp ứng tiêu chí của sân khấu, phải có quy chuẩn riêng của nghệ thuật truyền thống, từ trang phục cho đến biểu diễn. Nếu chúng ta không chỉn chu từ những cái nhỏ thì nhiều người sẽ đánh giá nghệ thuật truyền thống sai lệch đi” - NSƯT Ngọc Ánh bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biểu diễn nghệ thuật tại lễ hội: Vui hội cũng phải chỉn chu...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.