(HNM) - Chỉ còn một tháng nữa là Hải Phòng và các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) sẽ bước vào Năm Du lịch quốc gia (DLQG) 2013.
Tạo đột phá từ sự liên kết
ĐBSH gồm 11 tỉnh, thành là Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Hà Nam và Vĩnh Phúc. Có thể nói đây là cái nôi của nền văn minh lúa nước với một kho di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, giàu có, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp từ sông, hồ, núi cho đến biển đảo. Nhờ đó, nơi đây có thể phát triển các loại hình: du lịch di sản, văn hóa, tâm linh, sinh thái, cộng đồng, nghỉ dưỡng và biển đảo. Trong quy hoạch phát triển chiến lược của du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã xác định khu vực ĐBSH là một trong 7 trung tâm du lịch của cả nước. Điều quan trọng là làm thế nào để biến tiềm năng thành lợi thế, thành những sản phẩm du lịch có thương hiệu, đặc biệt là liên kết giữa các địa phương trong khu vực.
Du khách tham quan chùa Bái Đính (Ninh Bình).Ảnh: Bảo Lâm
Bày tỏ quan điểm, TS Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đưa ra nhận định, từ lâu, vấn đề liên kết giữa các địa phương trong khu vực nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế trong phát triển ngành "công nghiệp không khói" nước ta còn nhiều hạn chế. Do đó, để Năm DLQG 2013 phát huy được mục đích quảng bá cho điểm đến của địa phương đăng cai nói riêng và quảng bá cho hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung cần phải loại bỏ yếu tố cạnh tranh trong một vùng, khu vực. Hơn nữa, các địa phương cần phải hợp lực phát triển nhiều khu du lịch trọng điểm.
Tổng cục Du lịch đang có ý tưởng kết nối những điểm du lịch văn hóa, tâm linh và sinh thái giữa chùa Hương, Tam Chúc và Tràng An, Bái Đính của ba địa phương là Hà Nội, Hà Nam và Ninh Bình. Cùng với đó, Hải Phòng và Quảng Ninh cũng sở hữu hai di sản độc đáo là Cát Bà và Vịnh Hạ Long, vì vậy rất thuận lợi cho việc liên kết phát triển du lịch biển đảo. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, với chuỗi sự kiện lễ hội mới lạ, hấp dẫn, gắn liền với chủ đề "Văn minh sông Hồng", Năm DLQG 2013 không chỉ quảng bá hình ảnh, thương hiệu, nâng cao sản phẩm du lịch của thành phố cảng Hải Phòng và các tỉnh khu vực ĐBSH mà còn là cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết du lịch giữa các địa phương, các vùng trong cả nước, nhất là trong liên kết xây dựng, làm mới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Thành phố "hoa phượng đỏ" giành lại vị thế?
Ngày 15-12 tới đây, Hải Phòng sẽ đón nhận cờ luân lưu từ BTC Năm DLQG vùng Duyên hải Bắc Trung bộ - Thừa Thiên Huế 2012. Từng được đánh giá là thương hiệu lớn về du lịch biển đảo với những điểm đến nổi tiếng như Đồ Sơn, Cát Bà, Hòn Dáu… nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, với sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các địa phương có tiềm năng du lịch thì ngành "công nghiệp không khói" của thành phố "Hoa phượng đỏ" có phần chững lại. Nếu như "láng giềng" đất mỏ Quảng Ninh luôn đứng ở tốp đầu về chỉ tiêu đón khách quốc tế thì đất Cảng chỉ "lẹt đẹt" tốp dưới. Năm DLQG 2013 chính là cơ hội lớn để Hải Phòng giành lại vị thế, vươn lên khẳng định mình.
Chính vì lẽ đó, ngay từ đầu năm 2012, bên cạnh việc tuyên truyền, quảng bá cho sự kiện lớn này, Hải Phòng đã tập trung đầu tư nâng cấp chất lượng dịch vụ, đồng thời xây dựng những sản phẩm du lịch mang đặc trưng của địa phương. Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam khẳng định, đáp ứng nhu cầu của du khách trong năm tới, từ đầu năm 2012, Sở VH,TT&DL thành phố đã tổ chức hai lớp tập huấn cho hơn 100 hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các điểm du lịch, đồng thời tuyển chọn thêm 300 tình nguyện viên là những sinh viên tại các trường đại học trên địa bàn có kiến thức về văn hóa, ngoại ngữ. Ngoài ra, toàn thành phố hiện có hơn 300 khách sạn xếp hạng sao với 7.500 phòng sẵn sàng phục vụ khách du lịch mùa cao điểm và những lễ hội lớn. Tại khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn, thành phố đã tập trung nâng cấp nhiều dự án, đặc biệt quan tâm đến loại hình du lịch biển đảo, tâm linh, tín ngưỡng... Mặt khác, để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đồng thời giới thiệu đến du khách nét hấp dẫn của thành phố, ngành du lịch nơi đây cũng đã xây dựng sản phẩm city tour (du lịch nội thành)…
Cùng với nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, trong năm DLQG 2013, Hải Phòng kỳ vọng lượng khách sẽ tăng trưởng trên 10%, trong đó tăng mạnh nhóm khách nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng, để các doanh nghiệp lữ hành yên tâm giới thiệu các sản phẩm tour tới du khách, Hải Phòng nói riêng và các địa phương trong khu vực ĐBSH nói chung cần khắc phục tính mùa vụ, quá tải vào mùa cao điểm, đồng thời tuyên truyền cho người dân địa phương cũng như những người làm du lịch luôn có ý thức bảo vệ môi trường, cư xử đẹp và đúng mực với du khách.
Năm Du lịch quốc gia - Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 gồm có 67 sự kiện, được tổ chức ở Hải Phòng và các tỉnh, thành trong khu vực xuyên suốt năm 2013. Trong đó có một số hoạt động đáng chú ý: Lễ hội du xuân Hải Phòng (từ tháng 2 đến tháng 4); cuộc thi Nhiếp ảnh toàn quốc "Khám phá văn minh sông Hồng (tháng 2-5); Lễ hội làng cá Cát Bà (tháng 3-4); Liên hoan Ẩm thực Đồng bằng sông Hồng (tháng 6); Liên hoan Chèo chuyên nghiệp toàn quốc (tháng 10)…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.