Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biến phế thải xây dựng thành tài nguyên: Còn nhiều vướng mắc

Kim Vũ| 26/04/2022 06:24

(HNM) - Để giải "bài toán" xử lý phế thải vật liệu xây dựng, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận cho một số đơn vị thực hiện việc tái chế, nghiền nhỏ phế thải xây dựng nhằm tái sử dụng trong thi công hạ tầng và san lấp. Đề án này đã giúp biến rác thành tài nguyên, tiết kiệm chi phí và bảo đảm vệ sinh môi trường... Tuy nhiên, quá trình triển khai, đầu ra cho các nguyên liệu tái chế vẫn còn nhiều vướng mắc...

Dây chuyền nghiền chất thải xây dựng của Công ty cổ phần Dịch vụ sản xuất Toàn Cầu tại quận Hoàng Mai.

Rác đã thành tài nguyên

Thực tế thời gian qua cho thấy, các loại phế thải xây dựng, chạc thải, bê tông... đã được phân loại và tái chế thành gạch không nung, cát để phục vụ công trình xây dựng. Khảo sát tại trạm tái chế của Công ty cổ phần Dịch vụ sản xuất Toàn Cầu ngày 22-4 tại lõi đảo đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (quận Hoàng Mai), phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận hàng chục công nhân đang phân loại và thực hiện việc nghiền chất thải xây dựng bằng máy móc hiện đại, độ ồn thấp. 

Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ sản xuất Toàn Cầu Đỗ Văn Toan cho biết, từ tháng 8-2019, được thành phố Hà Nội cho phép thử nghiệm hoạt động tái chế phế thải xây dựng, công ty đã xử lý nghiền tại chỗ khoảng 600.000m3. Gần đây nhất là vận hành công nghệ nghiền, tái chế chất thải rắn xây dựng tại những công trình ở tòa nhà số 138 phố Giảng Võ (quận Ba Đình), dự án đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), công trình cào bóc bê tông ở sân bay Nội Bài...

Trước đó, từ tháng 5-2018, Công ty cổ phần Xử lý chất thải xây dựng và Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội cũng đã đưa vào vận hành dây chuyền xử lý phế thải xây dựng ở phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai). Theo Phó Giám đốc Công ty Ngô Bá Quang, tính đến nay, công ty đã tiếp nhận, phân loại và nghiền được 112.000m3 phế thải xây dựng cho các công trình đường Vành đai 2, Vành đai 3 và các hộ dân nhỏ lẻ. Giá thành một khối vật liệu thay thế có được từ công nghệ nghiền phế thải thấp hơn 20-30% so với vật liệu thông thường.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, chủ trương về công tác quản lý, ứng dụng công nghệ tiên tiến thực hiện tái chế, tái sử dụng chất thải rắn xây dựng được UBND thành phố chỉ đạo thực hiện từ năm 2017. Công nghệ này góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu khối lượng lớn chất thải rắn xây dựng cần chôn lấp.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, tồn tại như các vị trí trung chuyển tạm thời tái chế chất thải rắn xây dựng sử dụng các vị trí đất chưa phù hợp quy hoạch, nằm ngoài đê và các vị trí tạm trên diện tích các dự án, nút đảo giao thông nên gặp khó khăn trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm, các quy định về xây dựng, đầu tư. Vì vậy, các dự án chưa đầy đủ điều kiện để duy trì vận hành.

Phải sớm có giải pháp

Dù những mô hình tái chế phế thải xây dựng trên đi vào vận hành đã được thời gian khá dài, song hiện vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ. Theo các đơn vị thực hiện tái chế, đầu ra cho vật liệu nghiền thiếu cơ sở pháp lý, chưa có quyết định xác định đơn giá đối với vật liệu tái chế trong các dự án xây dựng hạ tầng đô thị. Theo ông Ngô Bá Quang, các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng hạ tầng đô thị không có căn cứ để thanh toán đơn giá chi phí xử lý chất thải rắn xây dựng theo công nghệ nghiền, chỉ thanh toán theo giá chôn lấp thông thường. Nếu tình trạng này kéo dài, đơn vị sẽ gặp khó khăn vì chi phí đầu tư máy móc, nhân công quá lớn.

Trong khi đó, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ sản xuất Toàn Cầu Đỗ Văn Toan cũng cho biết, hiện thành phố mới chỉ phê duyệt đơn giá tái chế, nghiền chất thải xây dựng bằng đơn giá san lấp. Do đó, các đơn vị mong muốn thành phố công nhận hoạt động tái chế như một hoạt động xử lý rác thải bằng việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động xay, nghiền và phân loại rác. Qua đó, làm căn cứ để các chủ đầu tư dự án sử dụng vốn ngân sách đưa vào chi phí lập dự toán trình cấp thẩm quyền phê duyệt, ký kết hợp đồng với các đơn vị có chức năng xử lý phế thải xây dựng. 

Nhằm tháo gỡ khó khăn, Sở Xây dựng đã báo cáo UBND thành phố xem xét chỉ đạo về việc giao đất cho thuê đất đối với các vị trí trung chuyển tạm thời, đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các thủ tục pháp lý về đất đai, môi trường của các đơn vị đang quản lý vận hành. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục có văn bản đôn đốc UBND các quận, huyện, chủ đầu tư tăng cường quản lý chất thải rắn xây dựng; kiểm soát chặt từ nguồn thải...

Ước tính mỗi ngày trên địa bàn Hà Nội phát sinh khoảng 2.500-3.000 tấn chất thải rắn xây dựng. Tuy nhiên, số lượng thu gom, tái chế bằng phương pháp nghiền của hai đơn vị nêu trên còn quá ít so với lượng phế thải thực tế phát sinh... Sẽ không thừa khi các cơ quan chức năng sớm đánh giá tính hiệu quả, lợi ích của mô hình tái chế, nếu đủ điều kiện thì nhân rộng để có giải pháp xử lý căn cơ, gốc rễ vấn đề chất thải rắn xây dựng hiện nay...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Biến phế thải xây dựng thành tài nguyên: Còn nhiều vướng mắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.