Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biện pháp làm trong sạch đội ngũ

Bài, ảnh: Võ Lâm| 22/01/2019 07:21

(HNM) - Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa họp bàn để chuẩn bị ban hành Chỉ thị về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng”.


Khẳng định sự cần thiết

Việc ban hành Chỉ thị về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng” (Chỉ thị) nhằm cụ thể hóa giải pháp trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”, được nêu cụ thể tại mục 6, nhóm giải pháp “Về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng”. Ban Tổ chức Trung ương, đơn vị được giao chuẩn bị dự thảo Chỉ thị đã có quá trình nghiên cứu thực tiễn trong 2 năm qua. Cụ thể, Ban đã khảo sát tại 68 đảng bộ cấp tỉnh và tương đương; tiến hành các cuộc hội thảo lấy ý kiến... Việc chuẩn bị khoa học, bảo đảm yêu cầu cả thực tiễn và lý luận đã chứng minh sự cần thiết của Chỉ thị này.

Duy trì sinh hoạt Đảng thường xuyên góp phần giữ gìn, nâng cao phẩm chất đảng viên.


Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội Lê Thị Thu Hằng khẳng định, việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị trong thời gian tới sẽ tạo ra sức bật mới nâng cao chất lượng đảng viên, khắc phục tình trạng lơ là, chủ quan về vấn đề này. Thực tế những năm qua, Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố luôn quan tâm, có các biện pháp nâng cao chất lượng đảng viên, nhất là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; nhưng vẫn rất cần các biện pháp căn cơ, đồng bộ thường xuyên rà soát, sàng lọc đội ngũ.

Từ thực tiễn ở cơ sở, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung cho biết, nếu Ban Bí thư ban hành Chỉ thị sẽ giúp cấp ủy địa phương huy động sự quan tâm, thống nhất, đồng bộ từ chi bộ về vấn đề chất lượng đảng viên. Thực tế cho thấy, vấn đề chất lượng đảng viên vẫn luôn được đặt ra, cần thiết phải có sự rà soát, sàng lọc thường xuyên ngay từ “đầu vào”. Tình trạng đảng viên về hưu hoặc chuyển chỗ ở không nộp giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt Đảng, né tránh không tham gia sinh hoạt Đảng cũng cần chú ý khắc phục...

Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) Nguyễn Đức Hà phân tích, mỗi nhiệm kỳ, Đảng ta kết nạp trên 1 triệu đảng viên mới. Tính đến hết năm 2018, số lượng đảng viên của cả nước là khoảng 5 triệu đồng chí, gấp 1.000 lần số lượng đảng viên của Đảng khi tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đi đôi với phát triển số lượng đảng viên rất cần chú trọng chất lượng. Vì vậy, việc ban hành Chỉ thị là biện pháp cụ thể làm trong sạch đội ngũ để nâng cao vai trò lãnh đạo, chất lượng đảng viên; thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong chỉnh đốn Đảng.

Đòi hỏi tinh thần đấu tranh mạnh mẽ

Câu hỏi đặt ra là các cấp ủy cần chuẩn bị gì để khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị, có thể triển khai thực hiện được nhanh và hiệu quả?

Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở Nguyễn Đăng Hoan cho rằng, mấu chốt để thực hiện Chỉ thị là phải khắc phục được tính nể nang trong góp ý, phê bình và kỷ luật đảng viên; cán bộ, đảng viên phải có tinh thần đấu tranh rất mạnh mẽ. Đồng quan điểm, PGS.TS Đoàn Thế Hanh (Giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, những sai phạm của cán bộ, đảng viên gần đây được phát hiện chủ yếu nhờ nhân dân và báo chí. Vì vậy, để thực hiện tốt Chỉ thị mà Ban Bí thư tới đây sẽ ban hành, công tác tự phê bình và phê bình, đấu tranh trong nội bộ phải tốt hơn. Người đứng đầu phải phát huy vai trò lãnh đạo, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên của cấp ủy cấp trên, của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.

Ngoài ra, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) Nguyễn Đức Hà cho rằng, việc lựa chọn quần chúng để phát triển Đảng phải chặt chẽ, trên tinh thần ít mà tốt, nhất quyết không chạy theo số lượng. Các cấp ủy Đảng, đảng viên phải loại trừ ngay tình trạng chi bộ phải đi “nịnh” hay vận động quần chúng vào Đảng.

Theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Đảng viên (Ban Tổ chức Trung ương) Nguyễn Văn Định, rà soát, sàng lọc đảng viên phải là công việc thường xuyên của từng cấp ủy và được thực hiện ở nhiều khâu, từ việc kết nạp, quản lý đảng viên đến xử lý đảng viên vi phạm. Trong đó, thông qua công tác quản lý đảng viên và quản lý sinh hoạt Đảng để phát hiện những đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, những đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng đến mức không còn đủ tư cách đảng viên và những đảng viên tự bỏ sinh hoạt… phải được kịp thời đưa ra khỏi Đảng.

Dự thảo Chỉ thị về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng” đề cập đúng nhu cầu thực tiễn đang đặt ra, chắc chắn sẽ đem lại những chuyển biến tích cực khi được ban hành và triển khai thực hiện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Biện pháp làm trong sạch đội ngũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.