(HNMO) - Năm 2010 mới chỉ bắt đầu được vài ngày, người tiêu dùng Việt Nam ngay lập tức phải đối mặt với một “trận” tăng giá mới của các hãng sữa. Không chỉ các nhãn hàng sữa nước ngoài tăng, mà các hãng sữa trong nước cũng tăng với mức trung bình là 6-10%, trong đó có mặt hàng tăng kỷ lục: 27% - 28% khiến cho người tiêu dùng chóng mặt…
Những lý giải bề nổi
Rõ ràng, sự ảnh hưởng không thể chối cãi lên tình trạng giá sữa tăng là những biến động kinh tế thế giới với việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào, tỷ giá VND/USD dao động theo chiều hướng tăng lên… Bên cạnh đó là nhiều lý giải khác như các công ty phải điều chỉnh lương nhân viên theo lộ trình tăng lương tương ứng của nhà nước, các chi phí như quảng cáo, tài trợ… cao. Đặc biệt, theo đánh giá của ông Trần Đình Điển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính trong một cuộc họp liên quan đến giá sữa, thì nguyên nhân khiến giá sữa trong nước tăng cao là do sản lượng sữa sản xuất trong nước hiện chỉ đáp ứng 28% nhu cầu, còn lại là nhập khẩu (trong đó có 50% là nguyên liệu và 22% sữa thành phẩm). Ông này cũng cho biết thêm, sữa bột thành phẩm sản xuất trong nước thì dùng nguyên liệu nhập khẩu 100%!
Cụm từ “giá sữa cao” được nhắc đến nhằm chỉ sự chênh lệch lớn giữa giá nhập vào và giá bán ra cho một nhãn hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm tra hai thông số này không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt là đối với những nhãn hàng hiện chỉ có văn phòng đại diện của công ty sản xuất tại Việt Nam. Với lý do tôn trọng (và bảo vệ) các nhà nhập khẩu và các nhà phân phối, các công ty sản xuất có thể sẽ trì hoãn “việc tìm hiểu giá cả” của các nhà chức trách trong nước. Hoặc các nhà phân phối trong nước có thể đối phó theo kiểu đánh đố “muốn biết giá thì ra nước ngoài mà hỏi”, do đó các thông số mà nhà chức trách có được rất khó đầy đủ và chính xác.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, đó là chưa kể tình trạng, để tránh tiếng “giá sữa cao” hiểu theo cách định nghĩa trên đây, một số nhà nhập khẩu có văn phòng đại diện tại Việt Nam làm động tác tăng giá trước khi nhập vào Việt Nam. Do vậy, nhiều người tiêu dùng nhầm tưởng rằng, họ đang mua sữa với “giá hợp lý”, trong khi trên thực tế, đó là cái giá “quá đắt” so với chất lượng thực sự của sản phẩm. Còn các nhà quản lý thì không có cớ gì để trách móc rằng họ đang “mua rẻ bán đắt”!
Tìm cách… né luật
Sữa là mặt hàng thiết yếu nằm trong danh mục bình ổn giá, vì thế, năm 2008, Bộ Tài chính đã có thông tư 75 quy định khi có biến động, Nhà nước có quyền can thiệp bình ổn giá, thậm chí có quyền áp đặt giá khung, giá trần. Tuy nhiên, điều kiện để có thể bình ổn giá lại rất… “khó”, đó là nếu giá sữa tăng liên tục trong 15 ngày và mức tăng lên đến trên 20% so với thời điểm trước tăng giá.
Nắm được tinh thần này, các doanh nghiệp phân phối sữa bắt đầu áp dụng “chiêu bài” tăng giá nhỏ giọt và đều đặn! Nhiều hãng sữa đã tăng giá vài ba lần, mỗi lần từ vài đến hơn chục phần trăm! Ví dụ như Abbott, năm 2008 tăng giá 1 lần, tháng 3/2009 tăng một lần (khoảng 4%), và tháng 1/2010 tăng một lần (khoảng 7,5%), và trở thành nhãn hàng hiện có giá cao ngất ngưởng: Similac IQ 900g cho trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi có giá bán 363.100 đồng/hộp, Similac Gain IQ 900g có giá 357.200 đồng/hộp hay Gain Plus IQ 900g có giá 330.300 đồng/hộp. Vinamilk cũng vậy, năm nào cũng tăng giá: tháng 12/2009; tháng 12/2008, và trước đó là tháng 11/2007! Theo lời công ty này công bố, mới chỉ 6 tháng đầu năm 2009, Vinamilk đã đạt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2009! Vậy mà, tháng 12/2009 vừa qua, Vinamilk cũng đã lại tăng giá thậm chí có sản phẩm tăng đến 27% hay 28%. Chỉ lướt qua – chưa cần đến con số cụ thể - người tiêu dùng cũng có thể thấy các nhãn hàng này xuất hiện liên tục, với tần suất quảng cáo cao đến thế nào trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người tiêu dùng chỉ cần “liếc mắt, quờ tay, nghênh tai” là có thể có được những thông tin liên quan đến sản phẩm!
Rất cần sự công bằng
Từ việc thanh tra giá sữa tại các doanh nghiệp phân phối sữa sẵn sàng công khai giá cả và các chi phí kinh doanh liên quan của mình, người ta rút ra kết luận là người tiêu dùng đang phải “cõng” quá nhiều các chi phí khác, trong đó có chi phí quảng cáo. Điều đó không phải ngoại lệ với bất cứ nhãn hàng nào! Tuy nhiên, có một số chi phí không thể không chi – thậm chí phải ưu tiên chi – đó là chi phí cho các nghiên cứu khoa học. Để tìm được những vi chất cần thiết, tìm ra hàm lượng hợp lý với trẻ em và phụ nữ không hề dễ dàng gì. Công việc này đòi hỏi rất nhiều nghiên cứu tâm huyết, thực hiện bởi những nhà nghiên cứu chuyên sâu, được tiến hành trong những phòng thí nghiệm hiện đại. Một nhà sản xuất sữa không thể không đầu tư vào lĩnh vực này. Tất nhiên, mỗi nhà sản xuất có một cách suy nghĩ khác nhau, việc xem nhẹ hay coi nặng phần nghiên cứu khoa học để tìm ra thành phần tốt nhất cho người sử dụng do đó cũng khác nhau. Một loại sữa tốt hay không tốt phụ thuộc rất lớn vào những nghiên cứu này - Bên lề một cuộc họp, TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã chia sẻ như vậy. Và khi đã có những nghiên cứu quan trọng này, người tiêu dùng có quyền biết, có quyền được tiếp cận và thụ hưởng!
Giá sữa tăng đang là bài toán khó cho các nhà quản lý cũng như người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc đánh giá “cao – thấp” cũng cần hết sức công bằng, và việc thanh kiểm tra giá sữa cần được tiếp tục đẩy mạnh, kể cả khi các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối… gây khó dễ và không hợp tác đến mức nào!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.