Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biến đổi khí hậu cực đoan, gay gắt và dị thường hơn kịch bản dự báo

Bảo Hân| 01/11/2017 13:07

(HNMO)- Cuối phiên thảo luận sáng 1-11 về kinh tế, xã hội và ngân sách, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã giải trình một số vấn đề đại biểu nêu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.


Kiên quyết giữ 10,2 triệu ha rừng tự nhiên

Trong ngày đầu tiên của phiên thảo luận (31-10) cũng như buổi sáng ngày làm việc thứ hai về nội dung kinh tế, xã hội, nhiều đại biểu đã lên tiếng về nạn chặt phá rừng đang vô hiệu hoá các quyết định của Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay cả nước đang phấn đấu nâng hệ số che phủ của rừng lên 41,19%, với mục tiêu cao nhất là đến năm 2020 phải giữ được hệ số này ở con số 42%; hình thành ngành kinh tế lâm nghiệp với giá trị 40.000 tỷ đồng và có tốc độ tăng trưởng 5,6%; giá trị xuất khẩu đồ gỗ là 8,5 tỷ USD.

"Để đạt được mục tiêu đó, trong tổng số 24,3 triệu ha rừng hiện nay phải kiên quyết giữ bằng được 10,2 triệu ha rừng tự nhiên; không chuyển đổi những dự án xâm lấn vào vùng rừng này, trừ dự án quốc phòng, an ninh, dự án đặc biệt phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Sau một năm quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, không khai thác gỗ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục duy trì quyết định này.

Đồng thời, tiến hành thâm canh lại 4,1 triệu ha rừng trồng, rừng sản xuất để bảo đảm đủ lượng gỗ cung cấp cho công nghiệp chế biến" - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết.

Báo cáo trước Quốc hội về quá trình tiếp nhận quản lý phân bón từ Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ NN &PTNT cho biết đang trong quá trình nhận bàn giao.

"Hiện nay Bộ cùng các cơ quan phối hợp trình Chính phủ Nghị định về xử phạt các vi phạm liên quan đến phân bón. Đây là vấn đề phức tạp, gây thiệt hại cho nông dân và ảnh hưởng đến nền sản xuất sạch. Mức xử phạt sẽ tăng lên kèm các chế tài ở mức quyết liệt. Thậm chí nơi nào vi phạm, Thủ tướng yêu cầu dừng sản xuất, không cấp phép", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết. 

"Trên 705 nhà máy sản xuất phân bón, tạo ra lượng sản phẩm vượt 3 lần nhu cầu; 14.000 sản phẩm phân bón, trong đó 96% là phân bón vô cơ nên nhiệm vụ thời gian tới khá phức tạp, nặng nề. Bộ NN&PTNT thống nhất với Bộ Công Thương tới đây phải quyết liệt, không chỉ bàn giao là xong mà còn phải phối hợp giải quyết tất cả những vấn đề tồn tại trên cơ sở gọn đầu mối, gọn sản phẩm và tăng dần sản phẩm phân hữu cơ, phục vụ nền nông nhiệp sạch và tăng kiểm soát chất lượng phân bón" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu.

Tái cơ cấp nông nghiệp với nhiều áp lực

Giải trình về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, có hai áp lực, đồng thời cũng là những điều kiện buộc phải tập trung xử lý trong tái cơ cấu nông nghiệp là thích ứng với biến đổi khí hậu và cơ chế thị trường.

" Về biến đổi khí hậu, 2 năm qua cho thấy bức tranh diễn biến cực đoan hơn, gay gắt hơn, có nhiều dị thường hơn, gây tồn thất lớn, nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội " - Bộ trưởng nhận định.

Biến đổi khí hậu, bên cạnh gây ra những khó khăn, thách thức cũng đang tạo ra những dư địa mới, mà theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp, nếu biết cách tận dụng sẽ tạo ra sản phẩm phù hợp, có lợi thế cạnh tranh như phát triển nuôi tôm và cá basa ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Mỗi địa phương cũng đều lựa chọn sản phẩm mang tính quy mô, đặc sản như xoài Cao Lãnh; rau, hoa Đà Lạt, cam Cao Phong và điển hình gần đây là tỉnh Bắc Giang với 3 sản phẩm chính là vải thiều, gà đồi Yên Thế và na Lục Nam đang mang về giá trị từ 6.000- 7.000 tỷ đồng/năm.

Sức sản xuất của nền nông nghiệp nước ta hiện nay không chỉ thoả mãn trong nước mà còn xuất đi 180 nước, đạt 30 tỷ USD  năm 2016 và dự kiến tăng lên 35 tỷ USD trong năm 2017. 

"Nếu không xác định, lựa chọn được sản phẩm thế mạnh, có giá thành phù hợp, có sức cạnh tranh về chất lượng thì không thể chiến thắng được, thậm chí chúng ta thua trên sân nhà. Đây là nguyên tắc mang tính cơ bản trong tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay. Nếu tập trung quyết liệt, chúng ta sẽ làm được". - Bộ trưởng khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu cực đoan, gay gắt và dị thường hơn kịch bản dự báo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.