(HNMO) - Theo Trung tâm nghiên cứu thuộc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, trong quý III/2016, lãi suất huy động dự báo sẽ tăng nhẹ đảm bảo thanh khoản cho tín dụng.
Tại Báo cáo Kinh tế vĩ mô tháng 5/2016 được Trung tâm nghiên cứu BIDV công bố hôm nay (30/5), tính đến 27/4/2016, tín dụng của toàn hệ thống đạt hơn 4,83 triệu tỷ đồng, tương đương với mức tăng 3,57% so với cuối năm 2015 (tăng trưởng tín dụng cùng kỳ đạt mức gần 4%). Trong khi đó, huy động vốn toàn hệ thống có mức tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng và đạt 4,5% (dư nợ huy động vốn tính đến ngày 30/3/2016 đạt hơn 5,39 triệu tỷ đồng).
Lãi suất huy động duy trì sự ổn định sau hai đợt điều chỉnh tăng lãi suất huy động (0,2-0,4%) của các ngân hàng trong tháng 2 và tháng 4/2016. Hiện mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-5,4%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; và từ 5,4-7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 6 tháng. Lãi suất huy động USD của TCTD tiếp tục được duy trì ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.
Lãi suất huy động sẽ tăng? (ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Đối với lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hưởng ứng lời kêu gọi của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Hội nghị đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp diễn ra ngày 29/4 vừa qua, 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND và điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng tốt vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
NHNN vừa ban hành Thông tư 06 và 07. Theo đó Thông tư 06 sẽ gỡ khó cho các doanh nghiệp, đồng thời cũng không chủ quan với lạm phát, chưa siết vội dòng vốn vào bất động sản nhưng sẽ siết dần đi liền với chỉ đạo tăng cường kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, tín dụng đối với các dự án Hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), Hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT) giao thông. Thông tư 07 sửa đổi thông tư số 24/2015 cho phép cho vay doanh nghiệp xuất khẩu từ 1/6, điều này sẽ tăng thanh khoản ngoại tệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Trung tâm nghiên cứu BIDV dự báo, tín dụng trong quý III/2016 sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan với mức tăng xấp xỉ 10-11%. Lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ đảm bảo thanh khoản cho tín dụng, một phần cạnh tranh với thị trường trái phiếu chính phủ, và diễn biến của lạm phát.
Với thị trường VND liên ngân hàng, tháng 5 thị trường diễn biến trái chiều so với tháng 4, với thanh khoản khá dư thừa, các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh cung nguồn khiến lãi suất giảm sâu. Nguyên nhân do: Tăng trưởng tín dụng VND chưa có nhiều đột biến trong khi huy động vốn VND (5,3%) tăng nhanh hơn tín dụng VND (4,3%); NHNN tiếp tục bơm VND ra thị trường qua kênh ngoại hối với lượng bơm đạt hơn 72.000 tỷ trong tháng 4 và tháng 5 (tính đến ngày 20/5/2016).
Tuy nhiên, trong tháng 6, lãi suất VND liên ngân hàng được dự báo có xu hướng tăng trở lại do NHNN đang tạm dừng hoạt động bơm tiền ra thị trường thông qua kênh ngoại hối. Về dài hạn, áp lực tăng lãi suất sẽ tăng dần khi tín dụng chịu áp lực tăng trưởng 18-20% trong năm 2016, trong khi 4 tháng đầu năm chỉ tiêu này mới tăng tổng cộng gần 4%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.