(HNMO) - Ngày 13-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã đi khảo sát thực tế tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và làm việc với Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh về việc triển khai các dự án metro trên địa bàn.
Báo cáo tại buổi làm việc, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Bùi Xuân Cường cho biết, theo quy hoạch, TP Hồ Chí Minh có 8 tuyến đường sắt đô thị khối lượng lớn; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (monorail); 7 depot cho các tuyến đường sắt đô thị và 3 depot cho các tuyến xe điện mặt đất hoặc monorail. Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị khoảng 220km, với tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỷ USD.
Trong đó, hiện tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có chiều dài 19,7km (đoạn đi ngầm dài 2,6km, đi trên cao dài 17,1km) với 14 nhà ga (3 nhà ga ngầm, 11 nhà ga trên cao). Tổng mức đầu tư 236,626 tỷ yên Nhật (vốn vay ODA Nhật Bản), tương đương 47.325 tỷ đồng; đến nay đã ký được 3 hiệp định với tổng giá trị là 155,364 tỷ yên Nhật (đáp ứng khoảng 75% nhu cầu vốn vay). Hiện khối lượng thi công đạt 63%, kế hoạch năm 2019 đạt 80%.
Khó khăn hiện nay, trong năm 2019, dự án không được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp vốn ODA do đang trong quá trình điều chỉnh tổng mức đầu tư...
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, theo quy hoạch, TP Hồ Chí Minh có 8 tuyến metro, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (Tramway hoặc Monorail) làm đồng bộ thì mới phát huy được. Vì vậy, phải có mục tiêu cụ thể bao giờ đưa được 8 tuyến hoạt động, cần thời gian bao nhiêu, điều kiện gì để thực hiện. Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố đi tham khảo một số nước có hệ thống metro phát triển, xem họ đầu tư, phát triển theo cơ chế nào để học hỏi... Về nguồn vốn để phát triển các tuyến metro, Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố phối hợp Ngân hàng Thế giới nhờ họ giúp thành phố tổ chức hội thảo kêu gọi nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, làm sao cuối tháng 4 này phải phê duyệt điều chỉnh thiết kế nhưng không được tăng thêm nguồn vốn; UBND thành phố chốt lại thời gian. Về giải ngân, năm nay chỉ xin tạm ứng và Thủ tướng sẽ sớm phân cấp cho thành phố tạm ứng vốn. Về quy hoạch quỹ đất xung quanh dọc tuyến metro, với mục đích vừa phục vụ giao thông vừa phục vụ các mục tiêu khác.
UBND thành phố ra đầu bài cho các tuyến tiếp theo để các sở, ngành liên quan thực hiện, làm sao để giữ đất hai bên dọc các tuyến... Cuối tháng 4, thành phố phải ra cho được đầu bài liên quan đến quy hoạch này...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.