Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bí thư Thành ủy Hà Nội thăm, làm việc tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre

Lê Hương| 17/09/2014 15:32

(HNMO) - Trong hai ngày 16 và 17-9, Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã làm việc với tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thăm Công ty Thế giới Việt chuyên chế biến sản phẩm từ dừa (tỉnh Bến Tre)


Tiền Giang và Bến Tre là 2 trong 13 tỉnh, thành phố, vựa lúa của vùng đồng bằng Sông Cửu Long, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phát huy tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch, trong những năm gần đây, hai địa phương đã tạo được sự phát triển nhanh, trên mọi lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao. Trong đó, tỉnh Tiền Giang đã tập trung đầu tư để bảo đảm vững chắc an ninh lương thực và xuất khẩu, trở thành vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất vùng (gần 70.000 ha, sản lượng chiếm hơn 33% vùng đồng bằng Sông Cửu Long, cao nhất cả nước). Hiện tại, tỉnh đã có 7 loại trái cây chủ lực gồm xoài Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, khóm (dứa) Tân Phước, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo, sơ-ri Gò Công. Tỉnh Bến Tre có thế mạnh về kinh tế vườn và thủy sản. Hiện tại, tỉnh tiếp tục duy trì diện tích trồng hơn 64.000 ha dừa, mang lại sản lượng 330 triệu trái (chiếm 60% cả nước), tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp chế biến dừa, tạo thu nhập ổn định các hộ trồng dừa. Bên cạnh đó, tỉnh cũng duy trì hiệu quả các mô hình liên kết - tiêu thụ sản phẩm của nông dân và doanh nghiệp. Bến Tre đã có 15 mô hình sản xuất cây ăn trái đạt tiêu chuẩn GAP, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dụng mặt hàng nông sản bảo đảm chất lượng trong cả nước.

Tuy nhiên, các sản phẩm chủ lực của cả Tiền Giang và Bến Tre, đặc biệt là trái cây chưa được tiêu thụ nhiều tại thị trường Hà Nội. Nguyên nhân, ngoài sự xa cách về vị trí địa lý thì công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm chưa được triển khai thường xuyên, cũng chưa hình thành được các điểm trung chuyển hàng hóa… Điều này không chỉ khiến các địa phương chưa phát huy được thế mạnh của mình tại thị trường miền Bắc mà phía Hà Nội cũng chưa có được nhiều sản vật, hàng hóa của các tỉnh Tây Nam Bộ nói chung, hai tỉnh nói riêng để làm phong phú thêm thị trường và đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Trên cơ sở phân tích điểm mạnh, hạn chế của từng địa phương, lãnh đạo TP Hà Nội và hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đã thống nhất cần đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, hợp tác trong thời gian tới. Phía tỉnh Tiền Giang và Bến Tre mong muốn Hà Nội - với vai trò là đầu tàu của cả nước sẽ siết chặt mối quan hệ, tăng cường liên kết cùng phát triển, nhất là tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch vào hai địa phương. Trước mắt tiếp tục hỗ trợ Tiền Giang, Bến Tre về thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản vào địa bàn Hà Nội và mở rộng ra các địa phương phía Bắc. Đồng thời, Hà Nội giới thiệu những doanh nghiệp có uy tín, năng lực về đầu tư tại hai địa phương này trên các lĩnh vực chế biến nông - thủy sản xuất khẩu; đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và hỗ trợ, giúp đỡ đầu tư các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện công tác cải cách hành chính, quản lý đô thị, thu hút vốn đầu tư. Đặc biệt, Hà Nội cũng cần chia kinh nghiệm cho các địa phương về xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre.


Trao đổi với lãnh đạo hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, mục đích chuyến công tác này trước hết là thăm hỏi, giao lưu tình cảm giữa Thủ đô với các tỉnh Tây Nam Bộ, trên tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Đây cũng là dịp Hà Nội và hai tỉnh thông báo tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương. Dù khác nhau về vị trí địa lý, tiềm năng, thế mạnh, nhưng Hà Nội, Tiền Giang và Bến Tre đều cùng chung nhiệm vụ đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, thu hút đầu tư, phát triển văn hóa, du lịch… và đều có ý chí vươn lên, mong muốn được tăng cường hợp tác trong nước, giao lưu quốc tế để phát triển bền vững.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá cao những thành tích tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đạt được trong thời gian qua. Sự phát triển của hai địa phương thể hiện rõ ở cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, việc đi lại của người dân ngày càng thuận lợi hơn. Cùng với phát triển nông nghiệp, hai địa phương đã chú trọng đầu tư phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến, thể hiện sự gắn kết công nghiệp và nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đánh giá cao thế mạnh cây ăn trái nói riêng, nông - thủy sản nói chung của hai địa phương, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, trước hết, Hà Nội và Tiền Giang, Bến Tre cần tăng cường liên kết để tiêu thụ sản phẩm. Thị trường Hà Nội đang có nhu cầu rất lớn về trái cây, lúa gạo. Các doanh nghiệp của Hà Nội cũng có tiềm năng để khai thác nông sản phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Hà Nội và các địa phương có thể bổ khuyết cho nhau. Đặc biệt nhấn mạnh việc cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa Hà Nội và các địa phương, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đề nghị Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cần nghiên cứu thu mua tăng lượng gạo, nhất là cần nghiên cứu con đường đưa trái cây Tiền Giang, Bến Tre ra Hà Nội nhanh hơn, rẻ hơn. Bí thư Thành ủy cũng mong muốn hai địa phương tiếp tục quan tâm cải tạo giống, nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm quy trình sản xuất vùng trọng điểm trái cây của cả nước để góp phần cung cấp cho thị trường Thủ đô.

Cùng với đó, theo Bí thư Thành ủy, Hà Nội và hai tỉnh cần phối hợp trong lĩnh vực thương mại, tăng cường trao đổi sản phẩm, giới thiệu quảng bá sản phẩm tại Thủ đô thông qua các hội chợ để giúp doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư. Hà Nội cũng có khả năng chuyển giao, chia sẻ kinh nghiệm giúp các địa phương ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng các mô hình cho giá trị kinh tế cao cũng như trao đổi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại, kinh nghiệm quản lý lĩnh vực văn hóa, phát triển du lịch… Không tham vọng sau chuyến thăm này phải ký kết các chương trình mà quan trọng là ngành chức năng của các địa phương sớm bàn bạc cụ thể những việc làm cần phối hợp triển khai thực hiện, dù ít nhưng cần làm thật chất lượng, thật tốt. “Cả nước dành cho Hà Nội những tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ đặc biệt. Để đáp lại tấm lòng của cả nước, Hà Nội xác định cần phải làm tốt trách nhiệm của mình với cả nước, thể hiện bằng sự đóng góp thiết thực trong việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, thu ngân sách, giữ môi trường hòa bình ổn định phát triển… Những gì có thể làm được cho từng tỉnh, chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Bí thư Phạm Quang Nghị trao 5 tỷ đồng hỗ trợ tỉnh Tiền Giang xóa đói giảm nghèo.


Với tình cảm dành cho hai địa phương, TP Hà Nội hỗ trợ quỹ xóa đói giảm nghèo tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, mỗi tỉnh 5 tỷ đồng.

* Đoàn đại biểu lãnh đạo TP Hà Nội cũng đã dâng hương tại Khu di tích Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Long Hưng tỉnh Tiền Giang; đền thờ bà Nguyễn Thị Thập (Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa II đến khóa VI, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ 1956-1974) và Khu di tích Nguyễn Đình Chiểu (huyện Ba Tri), đền thờ Nguyễn Thị Định (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Đoàn cũng thăm Công ty cổ phần Hùng Vương tỉnh Tiền Giang chuyên chế biến, xuất khẩu cá tra và Công ty TNHH Thế giới Việt tại Khu Công nghiệp Giao Long (Bến Tre) chuyên chế biến các sản phẩm từ dừa.

Ngày 18 và 19-9, Đoàn đại biểu lãnh đạo TP Hà Nội làm việc với tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Thành ủy Hà Nội thăm, làm việc tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.