Kinh tế

Bí quyết mua sắm trực tuyến an toàn

Ngọc Ánh 17/08/2023 - 07:00

Ngày nay, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội trở thành kênh mua sắm phổ biến bởi sự tiện ích, tiết kiệm thời gian và chi phí. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường để nhiều đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo, lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng hòng chiếm đoạt tài sản. Tiếp cận môi trường này, người tiêu dùng cần trang bị hiểu biết nhất định...

nguoi-tieu-dung-nen-mua-sam.jpg
Người tiêu dùng nên mua sắm trực tuyến những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng tại các sàn thương mại điện tử uy tín. Ảnh: Trọng Hiếu

Nhanh chóng, tiện lợi nhưng đầy rủi ro

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, mua sắm trực tuyến (online) đã trở thành xu hướng phổ biến của thị trường khi mức độ tiếp cận công nghệ của người dân ngày một gia tăng. Thông qua các thiết bị điện tử được kết nối internet, người tiêu dùng có thể mua sắm mọi lúc, mọi nơi mà không bị hạn chế về không gian và thời gian. Đồng thời, sự phát triển của nhiều sàn thương mại điện tử, như Shopee, Lazada, Sendo, Tiktok Shop… với nhiều hình thức khuyến mại, miễn phí vận chuyển, giúp cho việc mua sắm của người dân càng trở nên dễ dàng và tiết kiệm hơn.

Việt Nam có 75% người dân sử dụng internet, trong đó có 74,8% tham gia mua sắm trực tuyến. Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Con số này trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Tuy nhiên, thương mại điện tử cũng là môi trường để nhiều đối tượng sử dụng các chiêu thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khai thác những sơ hở trong quá trình giao dịch, thanh toán số nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Những hình thức lừa đảo thường thấy là đánh cắp thông tin cá nhân, bán sản phẩm kém chất lượng, lừa đảo thu chênh lệch giá, mạo danh nhân viên các sàn thương mại điện tử lôi kéo người dùng làm cộng tác viên bán hàng với hoa hồng hấp dẫn sau đó chiếm đoạt tiền đặt cọc…

Chị Nguyễn Thị Ngân (trú tại quận Thanh Xuân) cho hay, sau khi xem livestream (phát trực tiếp) của một shop thời trang trên mạng, chị quyết định đặt mua một chiếc váy. Sau 5 ngày, chị nhận được cuộc gọi từ một người xưng là nhân viên chuyển phát (shipper) hẹn giao món hàng mà chị đặt. Do đang ở cơ quan, chị nhờ shipper để gói hàng vào nhà rồi chuyển trả tiền cho shipper qua tài khoản. Đến chiều cùng ngày, chị tiếp tục nhận được cuộc gọi của shipper khác báo giao đơn hàng giống đơn chị vừa thanh toán buổi sáng. Chị đăng nhập tài khoản của mình trên ứng dụng, kiểm tra tình trạng đơn hàng thì phát hiện hàng đặt mua của mình vẫn đang trong quá trình vận chuyển. Mở gói hàng nhận buổi sáng, chị Ngân rất bức xúc khi bên trong là miếng vải cũ nát thay vì chiếc váy đã đặt.

Còn anh Phan Tuấn Anh (trú tại quận Long Biên) chia sẻ, anh truy cập vào một số trang bán hàng trực tuyến để xem sản phẩm. Trao đổi với người bán, họ nói có thể đổi trả hàng nếu nhận sản phẩm không ưng ý. Thấy lượt yêu thích, bình luận trên trang bán hàng tương đối cao, anh Tuấn Anh tin tưởng đặt mua. Thế nhưng hàng nhận được hoàn toàn không giống như hình ảnh quảng cáo. Nhắn tin cho shop thì phát hiện tài khoản của mình đã bị chặn.

Làm thế nào để mua sắm trực tuyến an toàn?

Theo Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Đức Lê, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi. Để tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo trực tuyến, mỗi người tiêu dùng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, biết cách tự bảo vệ chính mình.

Cụ thể, khi mua hàng qua các mạng xã hội, người mua cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tuyệt đối không nên mua hàng ở những tài khoản không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì người bán cố tình giấu địa chỉ, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn.

Hiện nay, với sự phát triển không ngừng của các sàn thương mại điện tử cùng nhiều nhà bán hàng, việc lựa chọn và mua sắm tại các địa chỉ uy tín là việc làm hết sức cần thiết. Người mua có thể mua sắm các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng qua các cửa hàng chính hãng được các sàn thương mại điện tử kiểm chứng chất lượng; nên xem đánh giá (review) trước khi quyết định để bảo đảm sản phẩm mình nhận được đúng như quảng cáo. Ngoài ra, khi phát hiện hành vi lừa đảo, cần liên hệ tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng theo số 1800.6838 hoặc gửi đơn tố giác tới Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương).

Giám đốc điều hành Công ty cổ phần An toàn thông tin CyRadar Nguyễn Minh Đức, cảnh báo, để đối phó với tình trạng bị đánh cắp thông tin, đơn hàng giả được giao đến nhanh hơn đơn thật, người tiêu dùng nên chủ động theo dõi tình trạng vận chuyển. Nhiều nền tảng mua sắm đã cập nhật từng bước trong đơn hàng, từ việc nhận đơn, đơn hàng đang được vận chuyển tới kho nào, đã được giao cho shipper hay chưa... Nếu có shipper gọi giao hàng, hãy mở ứng dụng mua sắm, kiểm tra trạng thái đơn hàng đang ở đâu. Khi mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm mình đã đặt mua xem có trùng khớp với thông tin mã đơn hàng trên ứng dụng của các sàn giao dịch thương mại điện tử hay không, rồi mới nhận hàng và trả tiền.

Hiện nay, lừa đảo mua sắm online thường diễn ra với hình thức mua sắm cod (trả tiền khi nhận hàng). Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Minh Đức cho hay, các đối tượng thường đánh cắp thông tin khâu giao hàng để giao hàng giả, kém chất lượng, nhận tiền từ những đơn hàng có giá trị lớn. Nếu người tiêu dùng trả tiền trước, các đơn hàng trở thành 0 đồng sẽ không là mục tiêu của các đối tượng lừa đảo. Tuy nhiên, người mua hàng vẫn có thể cân nhắc lựa chọn này với các shop uy tín, các nền tảng bảo vệ người dùng. Thêm nữa, với các đơn hàng mua sắm online, người mua không nên nhắn số điện thoại hay địa chỉ, món đồ mình mua vào các bài đăng công khai mà nên nhắn tin riêng để bảo vệ thông tin cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí quyết mua sắm trực tuyến an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.