Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bí quyết của ông hoàng phim hoạt hình Disney

Nhật Quang| 16/07/2022 13:23

(HNMCT) - Disney đang thống trị thể loại phim hoạt hình và dường như không có hãng phim nào khác có thể cạnh tranh. Danh tiếng thương hiệu, cách kể chuyện xuất sắc và sự cộng hưởng cảm xúc đã giúp Disney luôn đứng đầu doanh thu phòng vé.

“Frozen” của Disney là phim hoạt hình có doanh thu phòng vé cao nhất mọi thời đại.

Những bộ phim hoạt hình “bom tấn”

Disney từ lâu đã trở thành "ông hoàng" của phim hoạt hình, với những tựa phim không chỉ thu về hàng tỷ USD tại các phòng vé toàn cầu, mà còn đạt được số lượng kỷ lục tại giải Oscar. Công ty này nắm giữ hầu hết những vị trí hàng đầu trong danh sách các bộ phim hoạt hình có doanh thu cao nhất ở Bắc Mỹ và trên toàn thế giới trong nhiều năm qua.

Disney sở hữu hai xưởng phim hoạt hình đình đám là Walt Disney Animation Studios và Pixar, đã vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh, thu hút khán giả đến rạp hàng loạt để xem những câu chuyện và phần tiếp theo của các tựa phim nhượng quyền. Danh tiếng thương hiệu, cách kể chuyện xuất sắc và sự cộng hưởng cảm xúc đã giúp phim hoạt hình của Disney luôn đứng đầu doanh thu phòng vé, thậm chí có nhiều phim có doanh thu cả tỷ USD, điều mà cả những chủ nhân phim bom tấn cũng mơ ước.

Đứng đầu top 10 bộ phim hoạt hình Disney có doanh thu "khủng" nhất từ trước đến nay là bộ phim về nữ hoàng băng giá “Frozen” với 1,276 tỷ USD doanh thu trên toàn cầu. Đây được coi là phim hoạt hình thành công nhất từ trước đến nay của Walt Disney. “Frozen” đã đạt thành công lớn về mặt thương mại: Trở thành phim hoạt hình có doanh thu phòng vé cao nhất mọi thời đại. Không những thế, bộ phim còn được giới chuyên môn đánh giá cao với 2 lần nhận Giải Oscar và Quả Cầu Vàng dành cho Phim hoạt hình xuất sắc nhất.

Đứng thứ hai là bộ phim về gia đình siêu nhân “The Incredibles 2” với doanh thu 1,242 tỷ USD. Tiếp đó là các phim: “Toy Story 3” với doanh thu 1,066 tỷ USD, “Finding Dory” - 1,029 tỷ USD, “Zootopia” - 1,023 tỷ USD, “The Lion King” - 968 triệu USD, “Finding Nemo” - 940 triệu USD, “Inside Out” - 857 triệu USD, “Coco” - 807 triệu USD, “Monsters University” - 744 triệu USD.

Bí quyết thành công

Một phần thành công của Disney trong thể loại này bắt nguồn từ việc có hai nhánh hoạt hình riêng biệt. Walt Disney Animation Studios và Pixar là những hãng phim riêng biệt sản xuất đủ nội dung, giúp cho Disney có thể có từ 2 đến 3 bộ phim hoạt hình phát hành mỗi năm.

Paul Dergarabedian, nhà phân tích truyền thông cấp cao tại Comscore cho biết: “Đầu ra từ mỗi bộ phận đều rất đặc biệt, khác nhau về phong cách, tiết tấu... Không bao giờ có cảm giác như họ đang lặp lại chính mình”. Các nhân vật, câu chuyện và quan điểm đa dạng là một phần lý do khiến công chúng nói chung cảm thấy như không có “bất kỳ sự mệt mỏi nào của Disney trên thị trường”.

Đó là những câu chuyện rất nhiều màu sắc: Những chiếc xe đua được nhân cách hóa, các nhân vật trong trò chơi điện tử tràn đầy năng lượng, một gia đình siêu nhân cố gắng hòa nhập vào xã hội bình thường và một cậu bé du hành đến vùng đất của người chết để tìm hiểu sự thật về gia đình anh ấy...

Tuy nhiên, cả hai bản phát hành của Walt Disney Animation Studios và Pixar đều có điểm chung - trái tim. Dù là phim về những chú quái vật chuyên dọa người bỗng khám phá ra rằng tiếng cười có sức mạnh hơn tiếng la hét, một con cá hề cha đang tìm kiếm đứa con trai mất tích hay một nữ hoàng băng giá học cách kiểm soát sức mạnh của mình... Các bộ phim của Disney dường như luôn khai thác một sự thật cốt lõi nào đó về cảm xúc. “Chỉ điều đó thôi đã làm nên chất lượng của Disney. Cảm xúc là điều mà mọi người gắn bó với Disney. Với thương hiệu đó, cảm xúc là điều mạnh mẽ nhất” - Dergarabedian nói.

Các bộ phim hoạt hình mà Disney phát hành rất phù hợp với trẻ em và cả người lớn. Các bộ phim được thiết kế để trẻ nhỏ có thể theo dõi câu chuyện, nhưng có đủ độ phức tạp để trẻ lớn hơn và thậm chí cả người lớn không phải các bậc phụ huynh cũng muốn đến rạp chiếu phim. Shawn Robbins, nhà phân tích trưởng tại BoxOffice cho biết: “Những gì Disney đã có và những gì họ vẫn có bây giờ là sự hấp dẫn của thương hiệu với các bậc phụ huynh. Còn trẻ em luôn xem phim của Disney.”

Gần đây, các ông lớn phim hoạt hình khác như Dreamworks và Illumination Entertainment (cả hai đều thuộc sở hữu của NBC Universal) cũng có những thương hiệu hết sức đình đám. Tuy nhiên, về tổng thể, mức độ thành công phòng vé của các hãng phim đối thủ của Disney vẫn nhạt nhòa so với những gì Nhà Chuột đã đạt được. Đúng như Dergarabedian đánh giá: “Disney đã dành nhiều thập niên để xây dựng thương hiệu. Nó bắt đầu từ rất lâu với “Snow White” vào năm 1937. Rất khó để nghĩ ra một thương hiệu khác có thể gây ấn tượng với khán giả như vậy”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bí quyết của ông hoàng phim hoạt hình Disney

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.