(HNMO) - Chiều 14-5, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm đối với bị cáo Đinh La Thăng. Bị cáo Phùng Đình Thực được giảm án nhiều nhất - 3 năm tù so với án sơ thẩm.
Bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm nghe HĐXX tuyên án. |
Trước đó, bắt đầu từ ngày 7-5-2018, Tòa án cấp cao tại Hà Nội đã xét xử phiên phúc thẩm bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Sau khi nghỉ nghị án, chiều 14-5, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên các bị cáo mức án như sau:
Bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù (giữ nguyên mức án sơ thẩm); bị cáo Phùng Đình Thực 6 năm tù (giảm 3 năm tù so với án sơ thẩm); Nguyễn Quốc Khánh 7 năm tù (giảm 2 năm tù); Vũ Đức Thuận 21 năm tù (giảm 1 năm tù); Lê Đình Mậu 3 năm 6 tháng tù (giảm 1 năm tù); Nguyễn Ngọc Quý 5 năm 6 tháng tù (giảm 1 năm tù).
Các bị cáo: Nguyễn Anh Minh; Lương Văn Hòa; Bùi Mạnh Hiển; Ninh Văn Quỳnh; Nguyễn Mạnh Tiến; Vũ Hồng Chương; Trần Văn Nguyên bị tuyên y án sơ thẩm với các mức án từ 30 tháng tù (án treo) đến 16 năm tù.
Về dân sự, Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên trách nhiệm dân sự đối với tất cả các bị cáo. Theo đó, buộc các bị cáo bồi thường hơn 119 tỷ đồng; trong đó bị cáo Thăng phải bồi thường dân sự 30 tỷ đồng. Đến nay, bị cáo còn phải nộp tiếp 29 tỷ đồng.
HĐXX cấp phúc thẩm nhận định, việc phê duyệt phương án để PVC làm tổng thầu, bị cáo Đinh La Thăng chỉ căn cứ vào báo cáo của PVC và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower). Đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, do lần đầu tiên là tổng thầu nên PVC chưa có kinh nghiệm quản lý, điều hành. Điều này đã được các bị cáo thừa nhận.
Việc PVN chỉ định thầu và chọn PVC làm tổng thầu là trái luật vì PVC là nhà thầu không đủ năng lực. Việc chỉ định này trái với chỉ đạo của Chính phủ. Theo HĐXX cấp phúc thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm quy kết bị cáo Thăng cố ý làm trái với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là có căn cứ. Ngoài ra, các bị cáo Thăng và Thực dù biết hợp đồng không đủ căn cứ pháp lý nhưng vẫn chỉ đạo ký hợp đồng để đảm bảo tiến độ.
Về việc chuyển tiền tạm ứng sai quy định, HĐXX cấp phúc thẩm khẳng định là do bị cáo Thăng thúc ép. Việc này thể hiện qua nhiều lời khai của các bị cáo.
Khi quyết định hình phạt đối với bị cáo Thăng, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đúng hành vi của bị cáo. Bị cáo Thăng vì những động cơ khác nhau đã thực hiện một loạt các hành vi vi phạm, gây thiệt hại cho PVN số tiền đặc biệt lớn và gây hệ lụy nghiêm trọng. Việc bị cáo có công đã được cấp sơ thẩm xét đến nên không đủ căn cứ giảm hình phạt cho bị cáo.
Bị cáo Phùng Đình Thực không chỉ thiếu trách nhiệm trong việc triển khai giám sát dự án mà còn biết hợp đồng chưa đủ điều kiện nhưng vẫn chỉ đạo việc ký kết hợp đồng, để PVC sử dụng tiền không đúng mục đích, gây hậu quả nghiêm trọng nên cần phải chịu án tù giam. Tuy nhiên, cần xem xét điều kiện, hoàn cảnh phạm tội của bị cáo khi có sự chỉ đạo sát sao của bị cáo Thăng và có ủy quyền cho cấp phó. Đồng thời, bị cáo Thực cũng được PVN, Liên doanh Vietso Petro đề nghị xem xét giảm tội. Vì vậy, so với mức án sơ thẩm (9 năm tù giam), bị cáo Phùng Đình Thực được giảm án nhiều nhất là 3 năm tù giam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.