(HNM) - Trên trang nhất báo Thanh niên, số ra ngày 22-4, có bài viết: "Sự mờ ám kinh tởm" phản ánh sự việc một số đơn vị nạo vét bùn trên sông Thị Vải (Đồng Nai) đã vét bên này xả xuống bên kia dòng sông thay vì phải chở bùn ra đổ ngoài phao số 0 cách đó 10km. Hành vi gian dối trắng trợn, kinh tởm này đã "làm lợi" cho những công ty nạo vét vì bùn được xả tại chỗ. Nhưng thiệt hại cho dòng sông và tiền của dân chưa thể tính hết bao nhiêu mà kể.
Sự việc mờ ám được báo Thanh niên gọi là kinh tởm ấy hiện đang được nhiều báo khác quan tâm và rồi đây chắc chắn sẽ bị đưa ra ánh sáng pháp luật. Nhân đây, muốn nói đến nhiều sự việc khác tương tự như vậy. Đó là bệnh không nói thật - nói một cách trần trụi nhưng đúng bản chất hơn là bệnh nói dối - đang khá phổ biến trong nhiều việc, nhiều ngành. Bệnh nói dối từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài đang trở thành một căn bệnh trầm kha, đục khoét, làm xuống cấp hệ thống hành chính, tiếp tay cho tệ tham nhũng và rất nhiều tiêu cực khác, gây tác hại vô cùng lớn, cần kiên quyết ngăn chặn.
Có thể thấy tình trạng nói dối rải rác ở khắp mọi nơi. Hội nghị, hội thảo phải nói dối số ngày họp, số người dự nếu không sẽ thiếu kinh phí từ ngân sách. Đi chơi, phải nói dối là đi làm để còn có lương và không bị kỷ luật. Các kỳ thi tốt nghiệp, thi tuyển phải nói dối điểm để đủ chỉ tiêu, không ảnh hưởng tới "thành tích". Các công trình, dự án phải nói dối về khối lượng san lấp, vật liệu, ngày công để có tiền lo lót và tiền lãi. Xin việc làm, xét biên chế, chạy chức, chạy quyền, chạy án phải nói dối rằng không có đi đêm, hối lộ (dù phải chi hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng). Các con số được "chế biến" đầy rẫy trong các bản báo cáo khiến các con số thống kê cũng không còn mấy tin cậy. Không chỉ trong các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tư nhân, thậm chí nhiều cá nhân cũng quen nói dối và quen nghề nói dối để trốn thuế, có tiền hỗ trợ, bán được hàng xấu, hàng rởm. Người ta chỉ biết than phiền và ngán ngẩm khi biết đến tiền từ thiện cũng bị quỵt, hàng từ thiện cũng là hàng quá hạn, hàng chất lượng kém và thậm chí, lễ vật dâng lên thần linh cũng là đồ rởm.
Hậu quả của những chuyện gian dối là dần dần người ta mất niềm tin vào những con số. Từ mất niềm tin vào con số đến mất niềm tin vào nhau. Từ mất niềm tin vào nhau, mất niềm tin vào sự nghiêm minh, liêm chính mà xã hội nào cũng cần có. Cho nên, phải coi bệnh nói dối là một nguy cơ. Không thể có cải cách hành chính, tăng trưởng bền vững, an sinh xã hội thành công nếu còn bệnh nói dối. Bởi thế, phải coi việc triệt phá nói dối là một khâu không thể bỏ qua khi làm bất cứ việc gì, triển khai bất kỳ chủ trương, kế hoạch gì. Nhưng chống nói dối không phải là việc dễ dàng mà một người, một ngành, một địa phương đơn lẻ có thể làm được. Chống nói dối là công việc lâu dài, phải có cơ chế chống nói dối, có sự minh bạch trong quản lý xã hội và phải có sự làm gương, cả gương xấu bị vạch mặt lẫn gương tốt được biểu dương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.