(HNMO)-Nhận định này được PGS.TS Trần Đắc Phu-Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế đưa ra tại Hội nghị trực tuyến phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mùa Thu-Đông tại bốn điểm cầu là Hà Nội, TP HCM, Nha Trang và Tây Nguyên, do Bộ Y tế tổ chức chiều 27/9.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành hoặc lấy truyền vi rút Zika. Dịch lưu hành rộng tại khu vực Nam Mỹ và Caribe, khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, gần đây số mắc tăng nhanh tại Singaore (342 trường hợp) và Thái Lan (trên 200 trường hợp). 20 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo trẻ có chứng đầu nhỏ sinh ra từ các bà mẹ được xác định nhiễm vi rút Zika, trong đó có Brazil, Colombia, Mỹ.
Tại Việt Nam, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur đã lấy hơn 2.700 mẫu xét nghiệm vi rút Zika tại 45 tỉnh, thành phố, trong đó xác định 3 trường hợp nhiễm vi rút Zika. Các trường hợp này không có liên quan dịch tễ học và không có tiền sử đi từ các khu vực bị ảnh hưởng.
Về bệnh sốt xuất huyết, tại Việt Nam tỷ lệ mắc là 71/100.000 dân, thấp hơn so với các nước ở châu Á, tỷ lệ chết/mắc là 0,03% trong khi tỷ lệ tại nhiều châu Á là 0,23%.
Từ đầu năm đến nay Việt Nam ghi nhận hơn 72.300 trường hợp bị sốt xuất huyết tại 52 tỉnh thành. Số mắc tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số mắc tăng cao tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Với bệnh tay chân miệng, số mắc tăng ở các quốc gia như Trung Quốc, Singapore nhưng tại Việt Nam từ đầu năm đến nay ghi nhận 27.224 ca mắc tại 62 tỉnh, thành, giảm 16 % so với cùng kỳ năm trước; còn so với trung bình giai đoạn 2011- 2012 số mắc giảm 54,4 %, không có trường hợp nào tử vong.
Với cúm gia cầm, mặc dù các ổ dịch cúm gia cầm liên tục được ghi nhận nhưng không có trường hợp ở người.
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay 3.360 bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét đã được ghi nhận, trong đó có 3 trường hợp tử vong (Phú yên 2 trường hợp, trường hợp còn lại tại TP.HCM), so với 2015 số ca mắc giảm 52%.
“Điều đáng nói là số mắc sốt rét là lao động ở nước ngoài về gia tăng, vì thế khó phát hiện sớm và điều trị kịp thời. 10 tỉnh có số mắc cao là Bình Phước, Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Nghệ An, Đắc Lắc, Đắc Nông, Quảng Bình, Lâm Đồng và Quảng Nam. Đặc biệt, có ca sốt rét ở Bình Phước, Khánh Hòa, Gia Lai kháng thuốc”, ông Phu nói.
Liên quan đến vấn đề này, phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, việc chẩn đoán và điều trị những trường hợp sốt rét kháng thuốc như thế nào rất cần được quan tâm.
Hơn nữa, nguy cơ bệnh sốt rét quay lại là do xuất hiện tỉnh trạng sốt rét kháng thuốc, nên việc phòng chống bệnh rất cần thiết. Vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, diệt muỗi phải có sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể; đồng thời người dân cần có ý thức phòng bệnh hơn.
Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, các dịch bệnh mới nổi như Ebola, MERs, Zika và bệnh do véc tơ truyền gây sốt xuất huyết bùng phát tăng mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vì thế, “Tại Việt Nam các bệnh nguy hiểm và mới nổi luôn có nguy cơ xâm nhập cao, bùng phát nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch”, ông Phu nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Phug, bệnh dịch Zika lưu hành có thể tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới. Bệnh sốt xuất huyết có thể diễn biến phức tạp đến hết mùa mưa, nhất là miền Nam khu vực Tây Nguyên. Bệnh sốt rét, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc tại một số tỉnh có nguy cơ lan rộng, có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp sốt rét xâm nhập từ các nước Lào, Campuchia và Châu Phi. Bệnh tay chân miệng có nguy cơ gia tăng vào mùa tựu trường. Bệnh cúm có thể diễn biến phức tạp trong mùa Thu-Đông. Các bệnh có vắc xin tiêm chủng phòng bệnh, ghi nhận rải rác trường hợp mắc tại các tỉnh thành phố có thể xảy ra các ổ dịch tại “vùng lõm” có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao, không quản lý tốt đối tượng tiêm chủng.
Người đứng đầu Cục Y tế dự phòng cho rằng, dịch bệnh có thể gia tăng xuất phát từ các nguyên nhân: Gia tăng sự giao lưu đi lại, đô thị hóa mạnh mẽ, biến đổi khí hậu toàn cầu và hiện tượng El Nino, gia tăng kháng thuốc của vi sinh vật gây bệnh, chu kỳ dịch, vệ sinh môi trường (dụng cụ phế thải, dụng cụ chứa nước), người dân chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh và khó khăn về kinh phí.
Ông Hoàng Đức Hạnh-Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến nay Hà Nội kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp nào mắc Zika. Tính từ đầu năm đến tháng 9, thành phố ghi nhận 1.223 trường hợp sốt xuất huyết nhưng không có tử vong, giảm 51%. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.