(HNM) - Một trong những yếu tố để công tác cải cách hành chính (CCHC) thực sự hiệu quả là phải công khai, minh bạch thông tin. Tuy nhiên, trên thực tế, tâm lý ngại công khai vẫn khá phổ biến.
Mới đây, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tiến hành điều tra xã hội học về mức độ hài lòng của người dân khi giải quyết thủ tục tại cơ quan hành chính nhà nước. Đây là lần đầu Hà Nội điều tra quy mô như vậy và tại một hội nghị, lãnh đạo thành phố đã nêu đích danh các đơn vị làm chưa tốt. Mục đích của việc chỉ đích danh những yếu kém giúp các đơn vị nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục hạn chế. Song, đáng tiếc là, sau khi kết quả điều tra xã hội học được công bố rộng rãi thì không ít đơn vị bày tỏ thái độ không hài lòng. Thậm chí trong một cuộc họp, lãnh đạo một sở cho rằng: Không nên công khai kết quả điều tra xã hội học mà chỉ "lưu hành nội bộ".
Tình trạng ngại công khai thông tin còn là tâm lý chung của không ít đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai đề án, kế hoạch nhưng gặp phải khó khăn, vướng mắc. Thay vì phải báo cáo cấp trên để tìm cách tháo gỡ thì các đơn vị lại giữ im lặng, dẫn tới làm chậm tiến độ thực hiện. Điển hình là việc triển khai các đề án của Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy về việc "Đẩy mạnh CCHC, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011-2015" còn có tới 8 đề án chậm tiến độ. Tương tự, việc công khai các thủ tục hành chính (TTHC) và quy trình, thời gian giải quyết TTHC đã được TƯ và TP quy định từ nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn còn nhiều đơn vị chưa niêm yết đầy đủ, gây khó cho công dân khi có nhu cầu giải quyết công việc tại cơ quan công quyền và càng không thể phát huy vai trò giám sát của người dân.
Khắc phục tình trạng này, TP Hà Nội chủ trương đẩy mạnh hoạt động kiểm tra công vụ. Các đoàn kiểm tra công vụ được thành lập và đã kiểm tra một số đơn vị. Hoạt động này nhằm tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính cũng như ý thức, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan hành chính nhà nước. Song, để hoạt động kiểm tra công vụ thực sự hiệu quả đòi hỏi phải tăng cường sự hợp tác giữa các đơn vị, công tâm đánh giá cả ưu, khuyết điểm của đơn vị, đồng thời công khai kết quả kiểm tra và hình thức xử lý (nếu có). Có như vậy, các đơn vị, cá nhân mới nghiêm túc nhìn nhận yếu kém, khuyết điểm, đề ra giải pháp khắc phục để công tác CCHC ngày càng hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.