(HNM) - Năm 2011, mục tiêu phấn đấu của ngành thi hành án dân sự (THADS) là giảm số án tồn đọng từ hơn 200.000 vụ việc xuống còn 100.000 vụ việc. Tuy nhiên, tại diễn đàn Quốc hội mới đây, báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã bày tỏ quan ngại về những hạn chế trong công tác này khi vẫn có tới 234.600 vụ việc phải thi hành chuyển sang kỳ sau.
Điều này cho thấy câu chuyện án tồn đọng được đặt ra trong nhiều năm qua vẫn là "bệnh cũ" của ngành tư pháp mà việc tìm "thuốc" chẩn trị không hề đơn giản…
Nhiều vụ việc thi hành án khó phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Có chuyển biến nhưng chưa bền vững
Báo cáo công tác THA và đặc xá do Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình bày tại Quốc hội cho thấy, năm 2011, tổng số việc toàn ngành phải thi hành là 632.545 việc, tăng hơn 17 nghìn việc so với năm 2010. Các đơn vị đã thi hành xong gần 380 nghìn việc, đạt tỷ lệ 88% (vượt chỉ tiêu 7%), tăng hơn 28 nghìn việc so với năm 2010; thu số tiền trên 10 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 76% so với số tiền có điều kiện thi hành (vượt chỉ tiêu hơn 15%). Đáng chú ý, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hai địa phương có số lượng việc và giá trị phải thi hành chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số phải thi hành của toàn ngành (trên 17% về việc và gần 46% về giá trị) tiếp tục đạt kết quả cao và đều vượt chỉ tiêu được giao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng cho thấy lượng án tồn đọng vẫn là mối quan tâm của ngành tư pháp cả nước khi có tới 234.600 việc phải chuyển sang kỳ sau. Trong số này, tổng số việc do án tuyên không rõ, khó thi hành là 1.978 vụ việc. Không ít bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải xét xử lại nhiều lần, kết quả các lần xét xử lại trái ngược nhau. Thậm chí có vụ việc cơ quan THADS đã tổ chức thi hành xong, nhưng bản án bị tòa án kháng nghị hủy bỏ. Được ví là "điểm nghẽn" trong công tác THA, theo đánh giá của nhiều đại biểu, án tồn đọng đang là một trở lực khiến công tác này tuy đã có nhiều chuyển biến song vẫn chưa thật sự bền vững.
Đề xuất xây dựng đề án rà soát, xử lý việc THA
Để giải quyết triệt để những bất cập trong THA, tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII đang diễn ra, Chính phủ đề nghị TANDTC, VKSNDTC tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc xử lý, khắc phục tình trạng án tuyên không rõ, có sai sót hoặc khó thi hành. Với những vụ việc kéo dài nhiều năm, không thể thi hành, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho chủ trương về việc xây dựng đề án rà soát, xử lý việc THA dân sự tồn đọng, trong đó có việc đề nghị cho miễn THA khoản nộp ngân sách nhà nước đối với vụ việc đương sự hoàn toàn không có điều kiện THA.
Việc đẩy nhanh quá trình thí điểm thừa phát lại cũng là nội dung được đề cập bởi bản chất của mô hình này chính là xã hội hóa hoạt động THADS. Theo thống kê sơ bộ, từ tháng 5-2010 đến tháng 9-2011, 5 văn phòng thừa phát lại tại TP Hồ Chí Minh - đơn vị triển khai thí điểm của cả nước đã thực hiện tống đạt gần 35.000 văn bản; lập hơn 2.700 vi bằng; xác minh điều kiện THA hơn 80 vụ và trực tiếp THA xong 16 vụ việc. Theo đánh giá của các chuyên gia tư pháp, mô hình này đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần làm giảm số lượng án tồn đọng hiện nay.
Nhiều vấn đề khác cũng được đặt ra nhằm tháo gỡ "căn bệnh nan giải" trong công tác THADS. Theo đó, việc xây dựng văn bản hướng dẫn, sự phối kết hợp giữa các cơ quan tư pháp cần được tăng cường. Cần hạn chế tới mức tối đa trường hợp cơ quan THA có văn bản yêu cầu giải thích, đính chính hoặc xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng chậm hoặc không được giải quyết. Nâng cao chất lượng của các bản án cũng là vấn đề được đặt ra bởi chính sự thấu tình, đạt lý của bản án sẽ là cơ sở để việc thi hành án thuận lợi, đúng luật. Ngoài ra, cũng cần khắc phục những hạn chế trong quá trình thực thi công việc vì không ít những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ của các cơ quan THA dân sự địa phương chậm được cấp trên giải đáp, hướng dẫn.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nhiều ý kiến cho rằng một trong những vấn đề gây bức xúc nhất trong dư luận xã hội đối với công tác THA hiện nay là việc có những cán bộ bị tha hóa, biến chất, trục lợi. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2011, số chấp hành viên, cán bộ vi phạm, bị xử lý tăng 24 trường hợp so với năm 2010 và đã có 4 trường hợp bị khởi tố hình sự. Vì vậy, việc kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đạo đức công vụ là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm sự công bằng, công minh trong thực thi pháp luật, nhất là trong lĩnh vực nhạy cảm như kê biên, đấu giá tài sản…
Một bản án, quyết định của tòa án chỉ thực sự có giá trị khi được thi hành trên thực tế. Song để việc thực thi đạt hiệu quả lại không hề đơn giản bởi THADS trực tiếp đụng chạm đến quyền về tài sản của công dân, pháp nhân, đến tính hiệu lực của pháp luật nên đương sự tìm mọi cách trốn tránh nghĩa vụ, tẩu tán tài sản, trì hoãn việc THA, lợi dụng quyền khiếu nại để làm phức tạp tình hình, gây khó khăn cho chấp hành viên, cơ quan THA trong việc tổ chức thi hành. Án tồn đọng và những chậm trễ trong THA sẽ làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật, điều này cũng kéo theo những hệ lụỵ như nhiều đối tượng phải THA vẫn nhởn nhơ với pháp luật cùng những thất thoát về tài sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.