(HNM) - Theo công bố của Tổng cục Du lịch, năm 2012 ngành này đã vượt cả 3 chỉ tiêu đề ra trong năm. Đó là đón 6,84 triệu lượt khách quốc tế, tăng 9,5% so với năm 2011; khách nội địa đạt 32,5 triệu lượt, tăng 8,3%; tổng thu từ du lịch đạt 160.000 tỷ đồng, tăng 23%. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay nếu kết quả đạt được như vậy thì đó là thành tích… đáng nể. Tuy nhiên thực tế mọi chuyện lại khác.
Tổng cục Thống kê phân tích, năm 2012 có 4,17 triệu lượt khách quốc tế vào Việt Nam với mục đích du lịch; 1,16 triệu lượt đi công việc; 1,15 triệu lượt về thăm thân. Do đó, đón 6,84 triệu lượt khách quốc tế là không sai, nhưng đây không phải toàn bộ là khách du lịch mà trong đó có hơn 2,3 triệu lượt người nước ngoài vào Việt Nam làm việc và thăm thân. Sự thiếu chuẩn xác của con số thống kê dẫn đến những nghi ngại về con số 160.000 tỷ đồng là số tiền tổng thu của ngành du lịch trong năm 2012. Với sự việc nêu trên, có ý kiến cho rằng, đó là hậu quả của việc lập báo cáo… chạy theo thành tích. Nếu đúng như vậy thì những tính toán… không chuẩn xác của ngành du lịch trong năm 2012 cũng không có gì lạ.
Chuyện tỷ lệ phần trăm khá và giỏi trong thi cử của chúng ta cũng đã được đề cập, phân tích trong nhiều năm để cuối cùng dẫn đến kết luận, "bệnh thành tích" trong giáo dục đã tồn tại một thời gian dài. Thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cha mẹ học sinh và bản thân từng học trò đang ngồi trên ghế nhà trường, ai cũng biết thực chất của vấn đề này là thành tích ảo. Vậy nhưng tất cả cùng có lợi nên ít người muốn nói ra và ít người muốn thay đổi. Và ngành giáo dục cứ… ì ạch "giậm chân tại chỗ" dù đã đưa ra hàng loạt biện pháp, hàng loạt khẩu hiệu hành động…
Lại một chuyện khác. Tháng 12-2012, Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á lần thứ 16 (AUG 16) diễn ra tại nước bạn Lào. Việt Nam xếp hạng nhì toàn đoàn với 119 huy chương các loại, chỉ đứng sau Malaysia; xếp trên cả Thái Lan, Singapore và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, vị trí thứ nhì có phản ánh thực chất phong trào thể thao sinh viên Việt Nam hay không lại là điều khó nói. Lý do là vì tham gia đoàn thể thao sinh viên Việt Nam có không ít vận động viên của các đội tuyển quốc gia. Xét về tiêu chí, AUG 16 là sân chơi dành cho sinh viên của các nước trong khu vực, nên chúng ta có thể đưa vận động viên thuộc đội tuyển quốc gia đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng tham gia thi đấu. Điều đó là không sai nhưng dường như là không công bằng khi đưa vận động viên chuyên nghiệp so tài với vận động viên không chuyên nghiệp của các nước tại một sân chơi dành cho thể thao nghiệp dư với đối tượng là sinh viên…
Hay như thời điểm này đang diễn ra việc bình xét thi đua, bình xét các danh hiệu tại nhiều cơ quan, đơn vị. Không ít tập thể báo cáo lên trên đạt 100% nhân viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoặc 100% đạt danh hiệu thi đua ở mức cao nhất. Nếu quả thực như vậy thì quá tốt, công việc trôi chảy hơn nhiều, chả có chuyện làm ăn lẹt đẹt, họp hành định kỳ cứ phải mang ra "cạo đầu" nhau… Nhưng người ta lại đưa ra lý do, thôi thì cả năm có mỗi lần bình xét, biết chọn người nào, biết bỏ người nào, cứ đưa lên cấp trên quyết định. Thế là cùng vui, vì tất cả đều… tốt!
Đúng là bệnh thành tích đã ăn sâu vào nhiều phần của "cơ thể" xã hội. Hậu quả của nó là chúng ta không nhìn ra những yếu kém, tồn tại, hạn chế của mình để khắc phục; dễ dàng thỏa mãn với những gì mình đã có; thậm chí là mập mờ, gian lận trong cách tính toán, triển khai công việc để chạy theo con số vì những mưu cầu riêng của tập thể, cá nhân vì… thành tích chứ không phải vì hiệu quả thực chất. Thật nguy hiểm nếu căn bệnh đó trở thành nan y khó chữa và "di căn" hết năm này qua năm khác tại nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.