(HNMO) - Tại Việt Nam, bệnh lý tim mạch thuộc nhóm nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong nhóm bệnh không lây nhiễm và đang tạo nên gánh nặng cho hệ thống y tế cũng như gánh nặng về chi phí điều trị cho người dân.
Chiều 23-12, Bệnh viện Tim Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo tuyến, đề án bệnh viện vệ tinh và hội nghị khoa học tim mạch.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 300 đại biểu thuộc 200 cơ sở y tế, bao gồm 16 bệnh viện vệ tinh, các bệnh viện y tế đầu ngành của Thủ đô, trung tâm y tế các quận, huyện của Hà Nội, các đơn vị y tế của các tỉnh, thành phố có hoạt động hỗ trợ, hợp tác giữa Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị trong mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, dù là ở các nước phát triển hay đang phát triển. Tại Việt Nam, bệnh lý tim mạch cũng thuộc nhóm nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong nhóm bệnh không lây nhiễm và đang tạo nên gánh nặng cho hệ thống y tế cũng như gánh nặng về chi phí điều trị cho người dân.
Trong các bệnh lý tim mạch, hiện nay, suy tim được coi là nguyên nhân hàng đầu gây tái nhập viện trong các bệnh lý tim mạch, làm giảm kỳ vọng sống cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nghiên cứu từ tháng 9-2019 đến tháng 3-2021, tại Bệnh viện Tim Hà Nội với 1.131 bệnh nhân được theo dõi trong chương trình quản lý suy tim ngoại trú cho thấy, độ tuổi trung bình là 65; trong đó, nhóm 75 tuổi trở lên chiếm hơn 26%.
TS Vũ Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho rằng, mô hình bệnh lý suy tim ở Việt Nam có thay đổi trong những năm qua. Trước kia nguyên nhân suy tim chủ yếu là các bệnh van tim hậu thấp như hẹp van hai lá, thì nay nguyên nhân chính do bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, bệnh cơ tim giãn. Dấu hiệu chính của suy tim thường là khó thở, mệt, phù, đi tiểu ít, đau ngực, rối loạn nhịp tim.
“Điều trị suy tim là một quá trình lâu dài và có thể xảy ra nhiều biến cố như suy tim tăng nặng, rối loạn nhịp, nhiễm trùng nặng, tái nhập viện, thậm chí tử vong. Do đó, bệnh nhân cần phối hợp với nhân viên y tế, tuân thủ việc tái khám định kỳ, tuân thủ điều trị và thay đổi lối sống nhằm duy trì tình trạng ổn định, phát hiện sớm các dấu hiệu suy tim tăng nặng”, TS Vũ Quỳnh Nga nói.
Trước thực tế trên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, việc phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh về tim mạch rộng khắp từ trung ương tới địa phương với chất lượng ngày càng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm nói riêng và trong công tác y tế nói chung.
“Để giải quyết bài toán này, đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020 do Bộ Y tế xây dựng đã được triển khai trên nhiều bệnh viện nhằm phát triển công tác khám, chữa bệnh tim mạch trên toàn quốc. Bệnh viện Tim Hà Nội được chọn tham gia đề án vào năm 2018 với vai trò là bệnh viện hạt nhân. Đây cũng là đơn vị duy nhất thuộc Sở Y tế Hà Nội, cũng là đơn vị y tế tuyến tỉnh duy nhất trong cả nước được Bộ Y tế tin tưởng giao trọng trách và dám “cầm cờ”, cùng với các bệnh viện trung ương trong việc hỗ trợ chỉ đạo các tuyến để phát triển chuyên ngành tim mạch”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Đến nay, Bệnh viện Tim Hà Nội đã xây dựng mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa gồm 120 đơn vị, trong đó có 16 bệnh viện vệ tinh, 33 bệnh viện và trung tâm y tế các quận, huyện thuộc Hà Nội, 25 đơn vị đã và đang hợp tác, 40 bệnh viện và trung tâm y tế tuyến tỉnh.
Hiện tất cả các bệnh viện trong đề án bệnh viện vệ tinh do Bệnh viện Tim Hà Nội triển khai đều thực hiện được các kỹ thuật tim mạch cơ bản, điều trị và cấp cứu tim mạch cơ bản. Thậm chí, một số đơn vị đã làm được tim mạch can thiệp, một số đơn vị thực hiện được phẫu thuật tim mạch. Riêng với Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội đã tạo được một mạng lưới bao phủ, từ tuyến thành phố đến tuyến huyện, trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã.
Từ đề án này, theo PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, người dân và cả cộng đồng có thể được hưởng tối đa lợi ích, cơ hội từ việc nâng cao chuyên môn tại tuyến dưới. Các nhân viên y tế cũng sẽ có thể kết nối với nhau một cách thường xuyên và liên tục, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới tim mạch, mang lại nhiều cơ hội sống mạnh khỏe hơn cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.